Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tháo gỡ tình trạng thiếu đất san lấp
Thứ ba: 18:32 ngày 13/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, Báo Tây Ninh có nhiều bài viết phản ánh tình trạng khó khăn của các nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông trong năm 2022. Bên cạnh những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, giá các loại vật liệu phục vụ công trình đất san lấp, đá xây dựng… đã tăng cao lại khan hiếm, khiến chủ đầu tư và các nhà thầu như “ngồi trên đống lửa”.

Một  mỏ khai thác đất san lấp ở xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

Nhiều nhà thầu cho biết, doanh nghiệp luôn nỗ lực thi công dự án kịp tiến độ nhằm bảo đảm uy tín, “thương hiệu”. Thế nhưng, vấn đề khan hiếm đất san lấp khiến nhiều đơn vị “đau đầu”, tìm đỏ mắt cũng không có mỏ đất đang khai thác đất san lấp phục vụ công trình. Có chăng, còn những mỏ khối lượng không nhiều hoặc chủ mỏ cũng có chức năng thi công công trình nên chỉ để phục vụ các dự án riêng của công ty.

Thực tế, phần lớn nhà thầu thi công các tuyến đường trọng điểm của tỉnh như 787B, 789... và một số dự án khác đều phải chấp nhận “thế đã rồi”, mua đất san lấp với giá cao hơn giá dự toán rất nhiều.

Giá đất san lấp hiện đã tăng khoảng 230.000 - 250.000 đồng/m3 trong khoảng cự ly dưới 30km. Đại diện một doanh nghiệp thi công đường 787B cho biết, do khu vực Trảng Bàng và Gò Dầu ít mỏ nên đơn vị đành phải mua đất san lấp tận Châu Thành, Tân Biên rồi vận chuyển về phục vụ công trình.

Chủ mỏ ra giá thế nào, mua thế đó vì không có lựa chọn. Một số doanh nghiệp khác chọn cách sang các tỉnh lân cận tìm mua. Tình trạng này xảy ra gần một năm qua, chủ đầu tư lẫn nhà thầu thiệt đơn, thiệt kép, dự án không hoàn thành đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo ông Kiều Công Minh– Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 8.8 đến ngày 10.8.2022, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, thống kê, kiểm kê trữ lượng còn lại của các Giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, tính đến tháng 8.2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đang hoạt động, trong đó có 30 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp và đất làm gạch, với tổng diện tích cấp phép 137,42ha; tổng trữ cấp phép khai thác đất san lấp 7.739.394m3; sét gạch ngói 420.351m3, tổng công suất khai thác trung bình năm 1.422.524m3. Tổng trữ lượng khoáng sản còn lại, đến cuối năm 2021: đất san lấp: 3.374.295m3, đất làm gạch: 260.896m3.

Theo kết quả khảo sát thống kê, kiểm kê trữ lượng còn lại của các giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 8.2022, tổng sản lượng đã khai thác trong năm 2022 là 1.053.720m3 (gồm đất làm vật liệu san lấp là 988.496m3, đất sét làm gạch là 65.224m3), đã khai thác đạt 74,07% so với tổng công suất khai thác năm.

Qua rà soát thống kê tiến độ thực hiện hồ sơ các giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, khu vực đã cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản: 14 khu vực với diện tích 64,02 ha, trữ lượng khai thác dự tính 4.498.853m3.

Đất san lấp, một vật liệu quan trọng thi công dự án hạ tầng đường giao thông nhưng thời gian qua đã xảy ra tình trạng “ cung thiếu cầu” khiến giá đất san lấp tăng cao. Ảnh minh họa

Khu vực đã thực hiện đến bước có chủ trương UBND tỉnh chấp thuận cấp phép ở khu vực không đấu giá để phục vụ cho các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh 9 khu vực, với diện tích đề nghị thăm dò là 59,56 ha, trữ lượng khai thác dự tính 4.136.835m3. Khu vực đã thực hiện đến bước xin chủ trương UBND tỉnh chấp thuận cấp phép ở khu vực không đấu giá: 18 khu vực, với diện tích 101,2 ha, trữ lượng khai thác dự tính là 6.858.776m3. Tổng trữ lượng dự kiến có thể khai thác trong thời gian tới ước tính 15.494.464m3.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án phát triển của tỉnh, UBND tỉnh cần thực hiện một số cơ chế đặc thù như các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án phát triển của tỉnh là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công dự án khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho dự án.

Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác. Riêng đối với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của Dự án. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

T.P

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục