BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV:

Thảo luận ở tổ 2 dự án luật

Cập nhật ngày: 01/11/2016 - 10:31

ĐBQH Trần Lưu Quang chủ trì thảo luận tại tổ.

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ thêm về đối tượng áp dụng Luật. Trong khi tại Điều 2 quy định chỉ có 4 đối tượng là cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công; thì tại Điều 22 có quy định thêm đối tượng là lực lượng vũ trang, và Điều 105 quy định thêm đối tượng là Ban Quản lý dự án.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật vấn đề khai thác tài sản công và khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; xác định rõ việc công khai tài sản công quy định tại Điều 8 là đăng tải trên cổng thông tin điện tử nào, dự án Luật chỉ nói chung chung.

Về giải thích từ ngữ, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương- Tây Ninh cho rằng, dự thảo giải thích “trụ sở làm việc là khuôn viên đất…” là chưa chính xác, đại biểu đề nghị sửa như sau: “Trụ sở làm việc là các nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất nằm trong khuôn viên đất phục vụ hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước…”.

Tại khoản 7, Điều 3 giải thích về kết cấu hạ tầng, đại biểu Phương cũng cho rằng, giải thích như dự thảo là quá dài nhưng vẫn chưa hết nội dung thuộc về kết cấu hạ tầng. Về điểm c, khoản 1, Điều 7 quy định hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công là cho thuê tài sản, đại biểu Phương nêu ý kiến, cho thuê tài sản là hình thức kinh doanh, nếu tính toán không kỹ sẽ dẫn đến vi phạm điều cấm và khó thực hiện trên thực tế.

Đối với Điều 9 về công tác giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa cho phù hợp theo hướng xác định rõ hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát về vấn đề này.

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đa số đại biểu thống nhất đối tượng được trang bị vũ khí bao gồm lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, kể cả cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đại biểu Trần Lưu Quang- Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh đề nghị giao Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15 dự thảo Luật). Đại biểu Trần Lưu Quang nhấn mạnh vì các đối tượng được trang bị vũ khí trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là khác nhau nên giao 2 bộ thực hiện sẽ phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng bộ.

Về đối tượng được trang bị vũ khí quy định tại Điều 17, Điều 18, đại biểu Trần Lưu Quang đề nghị nên hạn chế đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì thật sự chưa cần thiết.

ĐBQH Hoàng Đình Chung phát biểu ý kiến.

Theo đại biểu Hoàng Đình Chung, nên giao cho 2 bộ quy định cụ thể việc trang bị vũ khí đối với từng lực lượng sẽ phù hợp hơn. Về quy định nổ súng (Điều 21), đại biểu Chung đề nghị quy định rõ, tách biệt 2 trường hợp nổ súng là nổ súng theo lệnh của cấp chỉ huy và nổ súng trong khi công tác độc lập để dễ thực hiện trên thực tế.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 7 quy định về trách nhiệm của người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung bảo quản không để vũ khí xuống cấp, ngoài việc để mất, hư hỏng, vì vũ khí để xuống cấp đến mức 4 là không thể sử dụng được.

Đối với Chương VI về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đại biểu Chung đề nghị nên giao cho Quân đội thực hiện sẽ bảo đảm chặt chẽ và an toàn hơn vì thực tế vấn đề này, lực lượng vẫn đang thực hiện rất tốt.

NHÃ CHI

(Lược ghi)