Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thắt thẻo một miền quê
Thứ bảy: 06:39 ngày 15/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để trụ được ở chợ, má tôi biến hình đến nỗi cả nhà đôi lúc cũng hoảng. Má không còn như trước. Trong má là hai người khác nhau hoàn toàn. Má ở chợ và má ở nhà.

Miền Nam giải phóng, tôi học đệ thất, ba tôi lính kiểng, cũng phải đi học cải tạo ngắn hạn ba tháng. Nhà tám anh chị em, lớn nhất chị Hai dở dang lớp mười một. Nhỏ nhất là thằng Út còn đỏ hỏn vừa tròn hai tháng tuổi. Má tôi trước giờ chỉ biết ở nhà nội trợ, giờ tập tành ra chợ mua bán kiếm tiền nuôi con.

Những ầu ơ ví dầu má ru thằng Út mỗi đêm vận vào má nhanh như sao xẹt:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”.

Những bài thi khó ở trường đời, chỗ bán buôn ngã giá quăng quật má tôi sấp ngửa mấy bận. Không vốn liếng, không chỗ ngồi bán cố định, má tôi đụng gì mua nấy. Khúm ớt, bụi sả, chục trứng, mấy trái đu đủ… má mua đầu chợ, bán cuối chợ. Hỏi má bán gì ngoài chợ, má nói bán tùm lum thứ. Hỏi bán tùm lum thứ vậy có lời không? Má hứ: không lời sao nuôi nổi từng này miệng ăn?

Để trụ được ở chợ, má tôi biến hình đến nỗi cả nhà đôi lúc cũng hoảng. Má không còn như trước. Trong má là hai người khác nhau hoàn toàn. Má ở chợ và má ở nhà. Má ở nhà ít nói, lúc nào cũng nhường nhịn, luôn nhận phần thiệt về mình.

Má ở chợ thì ngược lại, nói nhiều, năn nỉ ỉ ôi, chèo kéo. Lần đầu tôi mới chứng kiến cảnh má tò tò đi theo một cô để đòi hai ngàn đồng bị cô kia trừ vì tội bó rau có mấy cọng giập: Hai ngàn có nhiêu đâu cô, thoả thuận giá cả rồi mà, tui có gạt gẫm gì cô đâu, cô lật qua lật lại bó rau nhiều lần, nắng gắt quá đó cô, rau vườn nhà trồng cực khổ lắm cô ơi, cô bớt vầy tội nghiệp tui. Cô làm ơn… Tiếng năn nỉ “cô làm ơn…” rơi lả tả trong phiên chợ vắng khách. Có lần nghe má khóc với ba: Như này hoài chắc chết!

Chị Hai đòi nghỉ học theo má ra chợ. Má rành rẽ: Còn hơn năm nữa là lấy tú tài toàn phần, cả nhà dồn sức cho con, ra chợ không phải dễ, con ráng hết sức đi. Tôi ganh tị, dù tôi biết rõ chị Hai tan trường là ghé nhà bạn phụ làm kẹo đậu phộng cho tới tối kiếm tiền trang trải chuyện học hành và phụ má.

Ba thất nghiệp ăn không ngồi rồi trong mình bứt rứt. Tối tối nghe ba má bàn qua cãi lại về quê hay bám lại thị thành. Cuối cùng chia hai phá huề. Ngày ba dẫn anh Ba, chị Tư cùng mấy đứa lóc cóc về quê ở Long An làm ruộng, tôi ôm thằng Út đứng dưới hàng cây sao cổ thụ trước nhà tránh sương buổi sớm nhìn theo nức nở. Hình ảnh mỗi người xách bọc quần áo lầm lũi bước dài theo con dốc để ra bến xe cứ đọng mãi trong ký ức.

Ngôi nhà chật chội ngày nào ầm ĩ tiếng cười giỡn và cãi lộn, giờ chỉ còn lại ba má con. Đêm nghe tiếng má trở mình liên tục, tiếng nút vú chóp chép của thằng Út rõ đều, thỉnh thoảng nghe tiếng má hít hà đau vì bị thằng Út cắn vú. Tôi thương thằng Út thiệt thòi vắng mẹ cả ngày. Thương cặp vú xẹp lép xanh xao nhỏ xíu của má bị vắt kiệt bởi đám con. Nghiêng bên này thương tiếng rên của má: Có miếng gì đâu mà bú hoài xót ruột quá con ơi. Lật bên đây nghe tiếng ngáy mệt nhọc của chị Hai sau một ngày vất vả làm thêm.

Bụng tôi cũng réo òn ọt vì đói không ngủ được, nằm nghe mối nhai cây kèn kẹt, buồn thôi là buồn. Tình cảnh vầy sao mở miệng xin má đi học trở lại nên thôi. Tiếng má kéo áo kết thúc buổi ăn đêm, má đẩy thằng Út sát qua bên tôi, gác tay lên trán thở dài nhớ một nửa nhà ở quê. Hình ảnh đó, tiếng thở dài trong đêm đó theo tôi tới lớn. Nhìn thằng Út nhỏ xíu mút ngón tay cái thèm sữa, cái miệng nhỏ xíu lận ra lận vô thương không chịu được. Tôi thương và bảo vệ em cho tới lớn dù sau này em tôi không ngoan.

Má không biết chữ nhưng là người biết sống, biết chuyện. Những gì má nói và dạy chị em tôi, sau này nghĩ lại, hết thảy đều nằm trong sách vở. Trước nhà có cây xoài cát Hoà Lộc siêng trái, tới mùa trái lúc lỉu thấy cưng. Trưa hè thèm vặt, hai chị em không ai dám hái xoài non chấm mắm đường vì tiếc. Ngày ngày thòm thèm ngắm nghía, rờ rẫm mấy trái xoài lớn chờ tới lứa. Chị Hai leo cây bẻ xoài bị kiến vàng cắn nát, cố chịu đau nâng niu từng trái nguyên vẹn bán có giá không rên một tiếng. Vây mà lúc xuống, má lựa mấy trái xoài to và ngon biếu hai nhà bên cạnh ăn lấy thảo, chị Hai chắt lưỡi hít hà gỡ tay má lấy trái xoài bỏ trở lại thúng nói trái lớn ngon bán được nhiều tiền. Má lượm trở lại biểu: Không cho thì thôi, cho phải có lòng, người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết… Chị em tôi sau này cũng làm theo lời má.

Má tôi tính rợ tài tình không ai tính lại. Nhà xóm trên bán con gà, má kêu chị Hai ra coi tính tiền. Chị lấy giấy viết sắp bài toán chưa xong má đã tính ra. Khách về, má chắt lưỡi:

- Tụi bây ăn học kiểu gì…

- Không phải con dở, mà tại má quá nhanh - chị Hai vớt vát.

Phần tôi, đứa nhỏ mười một tuổi, được giao trọng trách giữ em, cơm nước, dọn dẹp trong nhà. Tôi già trước tuổi. Tôi biết lấy nước cơm lúc nào cho kẹo để thay sữa cho em uống. Tôi biết chiều chạng vạng không được để em khóc sợ mụ bà quở. Tôi biết xức dầu vô lòng bàn chân và mặc ấm cho em khi ngủ. Tôi biết ẵm em ra sao để em có cảm giác an lành mà không khóc đòi má. Tôi cũng biết ru em một cách sành điệu. Tôi giả giọng má ngân nga rề rà: “Ví dầu…ờ…ví dẩu…ớ…ơ…ví dâu… Chớ…ơ… ví qua… ờ...ví lại…chớ…ơ…ví trâu…ớ…ơ…vô chuồng…”. Và tôi cũng biết đi đứng thật khẽ để má và chị Hai ngủ ngon giấc mai có sức đi làm. Những buổi dậy sớm mở cửa cho má đi chợ, nhìn cái nón lá nhấp nhô đổ dài theo con dốc xuống cầu Quan mà thương má, nhớ một nửa gia đình ở xa.

Một buổi chiều. Có chiếc xe cam nhông chạy ngang nhà làm rớt một cục sách. Nhìn cách cột dây ngay ngắn và tên bìa sách thì tôi đoán sách đó của một gia đình trí thức. Vô gia đình, Đồi gió hú, Thằng gù nhà thờ Đức Bà… Tôi đọc ngấu nghiến. Với sách dịch, khi không biết đọc tên nhân vật nước ngoài, tôi đã gán tên bằng chữ cái đầu. Đọc sách là niềm vui. Đọc không hiểu mấy cũng đọc, vì nhà không có radio hay tivi để giải trí.

Tôi đọc và ghiền sách đến nỗi tối đốt cây đèn dầu chun vô mùng nằm đọc. Má hăm đốt hết sách tôi mới dừng. Nhai đi nhai lại chồng sách đó, chưa lật trang mà biết nó nói gì đến chán. Tôi bờ bẫn mỗi chiều trước cửa nhà mong gặp may lượm được sách thêm lần nữa. Chờ hoài không được, tôi bỏ cuộc.

Tôi quý sách. Đọc xong bỏ vô thùng cạc-tông giấu dưới gầm giường, và chính nó là bước khởi đầu để tôi yêu thích môn Văn. Lúc nghe má kêu bán ve chai, tôi thắc mắc nhà có gì để bán. Tới lúc thấy má lôi thùng sách dưới gầm giường ra, tôi giành giật lại từng cuốn một vừa khóc vừa la: Má không đọc được nên má không biết nó hay đến mức nào đâu! Má lúc nào cũng tiền tiền… Má tôi rưng rưng: Má bán mớ này là để có thêm chút tiền gởi về quê mua thuốc cho em.

Tôi buông tay…

Phong trào bình dân học vụ nở rộ. Có nhiều anh chị đoàn viên đến tận nhà vận động má tôi đi học, má từ chối. Bà nói: Học mà té ra gạo thì tui học liền.

Sau nhiều lần vận động má bất thành, mấy anh chị quay qua vận động tôi. Để mọi việc êm xuôi, để các anh chị hoàn thành nhiệm vụ phổ cập văn hoá tới từng nhà, cuối cùng tôi phải lãnh nhiệm vụ dạy má học viết mỗi cái tên để khi đi họp tổ dân phố ký tên là được. Nói thì nhanh, nhưng để má viết được cái tên của mình không phải dễ. Tánh má tôi nóng, làm lụng cực khổ nên cộc. Dạy học phải coi theo tâm trạng. Bữa nào thấy má mua bán đắt, vui vẻ thì bày ra học. Tánh tôi tham lam, dụ má học viết nguyên họ và tên. Má tôi chịu.

Nhưng má học trước quên sau, cố gắng viết một cái tên thôi cũng phước ông bà để lại. Nhìn bàn tay má nhăn nheo chai sần, ô dề, gồng cây viết cứng ngắt một cách vất vả, tôi kêu má viết mỗi tên cũng được. Nhìn mái đầu bạc cắm cúi bên ngọn đèn dầu trước lúc ngủ, nhìn hai bàn tay má mướt mồ hôi chùi vô vạt áo, tôi xót kêu má nghỉ, má xoay tập tới lui, vẽ loằng ngoằng chữ n ngược xong nói: Bất luận chuyện lớn hay chuyện nhỏ, không hứa thì thôi, hễ hứa rồi thì phải giữ lời, đó mới là người tử tế.

Cuối cùng thì má cũng viết được tên mình. Ngày đội điều tra nhân khẩu đến làm việc, má tôi thủng thỉnh cầm tờ giấy trở tới trở lui. Má dọn tay mấy bận, run run nắn nót viết chữ “Năm” trong sự khích lệ của mọi người. Chữ má to đùng, rộng rãi như tấm lòng của má. Đưa trả cây viết, má tôi hồi hộp chùi bàn tay đầy mồ hôi vào quần ngài ngại nói: Từ nào giờ tui quánh chữ thập không hà. Lần đầu biết ký tên, chữ xấu mấy cậu thông cảm.

Khi đoàn điều tra nhân khẩu về, má tôi vui vẻ nói: Viết được cái tên của mình nghe cũng sướng hén con! Để mai mốt nhà mình đỡ hơn, má cho con đi học lại sau này cho sướng tấm thân. Nghe vậy, tôi rớt nước mắt.

Mấy nay trở trời, má bịnh. Nói đưa má vô bịnh viện khám, má lắc đầu. Má nói cái tên bịnh viện nghe vô duyên, phải gọi là nhà thương mới hay. Nhà thương hay bịnh viện gì cũng thây kệ, má nói cho có vậy thôi chớ má không đi khám vì sợ tốn tiền. Chạy cùng xóm dân nghèo thành thị nhà giáp nhà mới quơ được mớ lá sả, é tía. Tiện tay bẻ nhánh lá xoài trước nhà bỏ vô cho đầy nấu nồi nước xông cho má dù biết rằng từ nào giờ chưa ai nấu xông bằng lá xoài. Má nói má nhớ một nửa kia ở quê. Má biểu biên thơ về cho ba, nhắn ba sắp xếp đưa hết nhà gom về một mối. Có khổ cùng khổ, có sướng cùng sướng, có đâu mà tan đàn xẻ nghé vầy. Má sợ “đi” bất thình lình không thấy đủ mặt.

Tôi ôm em ra đứng dưới hàng cây sao bên đường. Sắp xếp ý nghĩ coi biên thơ nói kiểu gì, câu nào trước, câu nào sau. Trên đầu, hoa sao rụng la đà bay theo gió, cánh hoa xoay như chong chóng rớt lả tả. Hình ảnh ba và mấy anh chị em mỗi người xách bọc quần áo lầm lũi đổ dài theo con dốc trong sương mờ hiện ra rõ mồn một. Chợt, đứa em trên tay tôi ngằn ngặt khóc.

Tôi cũng khóc.

H.N

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục