Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thầy Nhân tin vào số phận và khả năng của mình. Nhưng thầy lại quá nhạy cảm và không chịu thoả hiệp với những gì mình cho là không đúng để đổi lấy sự nhàn nhã và những cơ hội tốt đẹp.
1. Thầy Nhân về đến nhà lúc mặt trời vừa xuống núi. Những đám mây chưa vội tan, phết lên nền trời màu ánh hồng pha lẫn sắc tím, trông như những hình thù kỳ lạ đang đuổi nhau, vờn giỡn. Gió không còn lùng sục nữa mà đằm xuống, thổi mơn man dọc con đường đất đỏ, chạy dài tới thị trấn, ngang qua ngôi trường tiểu học.
Hôm nay, thầy Nhân nhận quyết định nghỉ hưu sau hơn ba mươi năm cống hiến cho giáo dục. Ðến tuổi cần nghỉ ngơi, thư giãn, ai cũng đều vui vẻ với bao dự định: nào đi du lịch cùng con cháu, về quê sống an nhàn với vườn tược hay đỡ đần cho con cái trong việc trông nhà, chăm cháu… Thường là thế. Nhưng đối với thầy Nhân thì khác. Thầy lắc đầu, quay vào nhà, bật đèn lên. Căn nhà cấp bốn đơn sơ với ít ỏi vật dụng thiết yếu và một chiếc tủ đầy sách và tài liệu. Sự vắng vẻ khiến thầy dừng lại nhìn quanh. Con chó nhỏ cứ quấn lấy chân thầy và kêu lên ăng ẳng. Chắc đói lắm rồi đây. Thầy âu yếm nhìn nó rồi đi thẳng xuống bếp.
Mấy hôm nay ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa gió liên miên khiến cả vùng núi chìm trong lạnh lẽo, u ám. Bệnh thấp khớp của cô Lan, vợ thầy lại tái phát. Cô rên suốt đêm. Thầy làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thuyên giảm đành đưa cô đi viện. Thành thử căn nhà trở nên trống trải và buồn như thế. Giờ thầy phải đun ấm nước, nấu nồi cơm rồi mang vô bệnh viện cho vợ, sẵn báo tin việc mình nhận quyết định nghỉ hưu.
2. Mỗi người, trong cuộc đời, thường không ai có thể tự lựa chọn cho mình điều gì đó một khi hoàn cảnh chi phối. Thầy Nhân tin vào số phận và khả năng của mình. Nhưng thầy lại quá nhạy cảm và không chịu thoả hiệp với những gì mình cho là không đúng để đổi lấy sự nhàn nhã và những cơ hội tốt đẹp.
Thầy đã khoác túi rời quê lên đây công tác, rất nhẹ tênh như trước đó mấy năm thầy vào chiến trường biên giới Tây Nam vậy. Cũng vì thầy thẳng tính, cũng vì thầy yêu trẻ. Thầy đưa ra mọi lý do để ra đi, khi bạn bè thầy can ngăn, bảo xứ núi thâm u, điều kiện khó khăn, thêm di chứng sốt rét của thầy vẫn chưa dứt. Thầy lắc đầu cười hiền và vẫy tay chào tạm biệt mọi người.
Thầy gặp cô Lan sau mấy năm về trường. Ngôi trường tiểu học vùng cao xập xệ, tuềnh toàng tranh nứa. Nói chung, thiếu thốn đủ thứ, bàn ghế cũ kỹ, xiêu vẹo. Ngày mới lên, đêm nào thầy cũng mơ thấy mình giảng dạy ở một ngôi trường khang trang hơn, học sinh thì mặc toàn đồng phục quần xanh áo trắng. Em nào cũng trắng trẻo, cao lớn và sạch sẽ. Chúng gặp thầy là khoanh tay chào rất lễ phép. Thầy giật mình, mở cửa bước ra ngoài. Ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, giữa màn đêm đen đặc có thể xắt ra từng miếng là cái lạnh cứ luồn sâu vào tâm hồn đa cảm của thầy. Ðôi lúc như thế, thầy muốn buông xuôi.
Tại sao em lại chọn nơi này?
Thầy nhìn cô Lan thăm dò. Trong thâm tâm, thầy không nghĩ một cô gái thị thành như cô Lan lại dám vứt bỏ cuộc sống đủ đầy để lên vùng núi heo hút này. Nhưng chính cô Lan đã làm cho thầy Nhân bất ngờ, và có lẽ tình cảm yêu thương xen lẫn sự ngưỡng mộ đã xuất hiện ngay lúc đấy:
- Em xung phong đấy anh ạ!
Thầy và cô Lan về ở chung sau cái đám cưới đơn sơ, giản dị. Họ hàng hai bên chỉ vài người lên dự. Nhìn nơi ăn chốn ở, nơi dạy học của thầy, họ không thể tin được. Có người còn bảo vợ chồng thầy nên bỏ nghề, tìm việc khác an nhàn và sung túc hơn. Thầy chỉ cười, đưa mọi người ra thị trấn đón xe đò về quê.
3. Trường nằm trong vùng khó khăn, dân trí thấp nên việc vận động học sinh đến lớp là việc khó. Ðường đi gập ghềnh trên những đoạn đầy đá lởm chởm và phải luồn sâu vào trong rừng. Nhiều em phải lội qua suối để đến trường. Nhiều hôm thầy lên đồi tranh mé trái ngôi trường, phóng tầm nhìn ra xa như thể ngóng đợi các em.
Xa xa, những cái bóng mờ lũn cũn đang leo dốc, tiếng gọi nhau lanh lảnh làm lòng thầy náo nức. Có hôm, nhất là vào mùa đông, nhìn xuống lớp chỉ lèo tèo vài em, thầy xót xa, giọng chùng lại thương cảm. Thử hỏi thầy làm sao bỏ trường đi được, một khi đã yêu thương bọn trẻ, muốn đem kiến thức của mình trao cho chúng để chúng làm hành trang cho cuộc sống sau này, ít ra được đổi đời.
4. Cô Lan xuất viện. Thầy Nhân đón vợ về lúc xế chiều. Vừa dắt chiếc xe máy vào sân, định quay ra đóng cổng thì thầy sững lại. Trước mắt thầy là một người đàn ông trung niên cao to bảnh bao. Người đàn ông cúi đầu chào thầy. Thầy Nhân chưa nhận ra ai nên vô cùng ngạc nhiên đến lúng túng. Cô Lan trong nhà nghe tiếng người lạ đi ra. Cô cũng chưa nhận ra ai, dù biết là học trò cũ.
- Em chào cô ạ!
Người đàn ông bước nhanh đến bậc thềm. Lúc này cô Lan mới ồ lên, mừng rỡ:
- Có phải Linh đấy không? Em…
Ðúng là Linh, cậu học trò của hơn ba mươi năm. Người đàn ông ngồi đối diện với thầy Nhân giờ là giám đốc của một công ty xây dựng trong thành phố. Linh về quê lần này là tìm kiếm đối tác, lập dự án xây dựng cầu và đường nối những buôn làng với thị trấn.
Hai thầy trò nói chuyện vui vẻ, những kỷ niệm ngày xưa lần lượt ùa về. Thời gian trôi nhanh quá. Mới ngày nào Linh còn là cậu học trò tiểu học nhà bên kia đồi, đến trường phải lội qua một con suối rộng. Mùa nước cạn thì đi được, mùa mưa phải đi vòng xuống mới qua cầu được. Ấy vậy mà Linh chưa bỏ buổi học nào. Có nhiều hôm, thầy Nhân bảo Linh ở lại nhà thầy, nhất là những ngày mưa gió.
Linh học giỏi, nhất là môn Toán, đi thi cấp huyện Linh đạt giải Nhất. Thầy Nhân mừng khôn tả, mua tặng Linh chiếc cặp từ số tiền lương ít ỏi của thầy. Nhà Linh nghèo lại đông anh em. Cha mẹ Linh quanh năm bám rẫy mà cũng chẳng mấy khi đủ ăn. Anh em Linh chia nhau lên núi, vào rừng cắt tranh, chặt đót, tìm mật ong. Có hôm Linh bị ong đốt sưng vù mặt, thầy Nhân nhìn mà xót xa.
- Em thật sự xin lỗi thầy! Nói xong, Linh nắm chặt tay thầy Nhân, mặt cúi xuống như thể hối hận. Thầy Nhân xúc động, nhẹ nhàng:
- Em về, ghé thăm là thầy vui lắm rồi! Cuộc sống luôn bắt ta phải cố gắng để thành công, để không phụ lòng những người dạy dỗ, bảo bọc… Thầy rất hạnh phúc khi thấy em cũng như những học trò khác thành đạt quay trở về góp phần xây dựng quê hương.
5. Cuộc trò chuyện giữa hai thầy trò bị gián đoạn khi cô Lan hưng mâm cơm lên. Nhìn bữa ăn đạm bạc mà vợ chuẩn bị đón khách, thầy Nhân có vẻ ái ngại. Hình như Linh biết được suy nghĩ của thầy nên cười thật tươi:
- Em rất nhớ và thèm ăn món ốc núi xào sả ớt. Ngày xưa em cũng hay đi bắt lắm…
Cô Lan vừa xới cơm cho chồng vừa vồn vã:
- Ăn đi em, ở quê thì chẳng có món gì cao lương mỹ vị nhưng cô nghĩ em sẽ thấy ngon miệng!
- Dạ, cô… Món rau đắng, măng rừng, khô nhái chiên giòn mà xứ mình hay ăn nữa…
- Thầy tưởng em quên hết rồi chứ, nào ngờ… Thầy Nhân cười thành tiếng, với lấy chai rượu thuốc rót đầy hai ly nhỏ, mời cậu học trò cũ. Linh đón lấy đầy trân trọng mà nghe lòng dậy lên niềm xúc động dâng trào.
Bỗng, trước ngõ lao xao tiếng nói cười của bầy con nít. Linh nhìn ra, ngạc nhiên rồi nhìn thầy Nhân, cô Lan như muốn hỏi. Cô Lan bước ra cửa, vẫy tay rồi quay vào nhà nói to:
- Mấy cháu nhỏ gần nhà, cứ tuần ba bữa tối đến đây phụ đạo. Tụi nhỏ xứ này thiệt thòi lắm!
Cậu học trò cũ hiểu ra gật đầu và “à” lên khi phát hiện gian bên cạnh kê mấy bộ bàn ghế cũ. Cô Lan cũng vừa bật đèn lên.
Mấy đứa nhỏ đã bước lên thềm. Ðứa đi đầu tay ôm khư khư hộp quà trước ngực lúng túng. Mấy đứa đứng sau, đẩy tay nhắc bạn hãy mạnh dạn nói. Linh nhìn bọn trẻ mà không thể không phì cười vì nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa, trong từng cử chỉ của chúng. Cuối cùng thì cậu bé ấy cũng cất lời rằng món quà được phụ huynh góp mua tặng thầy Nhân khi nghe thầy về hưu.
Thầy Nhân tiễn Linh ra ngõ. Trăng giữa tháng toả khắp không gian núi rừng. Sương núi nhỏ thành giọt, lành lạnh bờ vai. Linh ôm chầm thầy Nhân và nghẹn ngào:
- Em về, ngày mai em sẽ đến, thầy nhé!
T.Ð.S