Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể chế và phát triển
Thứ tư: 05:33 ngày 04/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài học lớn của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua khẳng định, sau khi có đường lối đúng đắn, động lực căn bản quyết định thành công của mọi sự phát triển chính là con người và thể chế. Nói cách khác, để phát triển, trước hết và trung tâm chính là kiến tạo thể chế tương dung và phù hợp.

Nhưng hiện nay, sau gần 40 năm, chúng ta đang tiếp tục đối mặt giải quyết nhiều trọng trách mới trên nhiều phương diện và khắc phục tất cả những vật cản cũ, những phản động lực mới, thực thi công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong điều kiện khác trước. Trong rất nhiều trọng sự đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước; đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế phát triển”.

Thể chế và phát triển trong thời kỳ tăng tốc mới đang thách thức.

Nói một cách hình ảnh, nếu quả trứng bị vỡ bởi một lực từ bên ngoài thì cuộc sống bên trong nguy cơ sẽ kết thúc; nhưng, nó bị vỡ bởi một lực từ bên trong thì cuộc sống mới bắt đầu.

Hội nghị lần thứ X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII)

Đó chính là sứ mệnh của đổi mới, bắt đầu ở đây, là thể chế.

Ngày 6.9.2024, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Làm gì và làm như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra và tạo đà để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 đang là thách thức to lớn.  

Chúng ta đã lỡ nhịp trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 càng không còn đường lùi. Mục tiêu tới năm 2025 và 2030 vẫn thách thức, dù thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 4.180 USD, trong khi ngưỡng cao nhất của mức thu nhập trung bình thấp phải đạt 4.515 USD.

Khi tình hình đã thay đổi, yêu cầu cấp bách đặt ra, không thể duy trì thể chế không còn phù hợp nữa, đã lạc hậu. Nói cách khác, không thể không bắt đầu trước hết từ những đột phá từ bên trong tương dung với hoá giải áp lực từ bên ngoài, một cách chín muồi và đủ “độ”, bằng thể chế một cách tương hợp với nhiệm vụ mới. Đây cũng chính là yêu cầu của sự đột phá từ thể chế. Không có thể chế phù hợp nhất định không có bất cứ sự phát triển nào như mong đợi, nếu không nói vô hình trung vô hiệu hoá đường lối chính trị, ảo tưởng hoá các quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước.         

Muốn thành tre, măng phải đội đất mà lên.

Một là: Đổi mới thể chế và tăng trưởng, phát triển.

Nếu đổi mới ở Việt Nam là bản chất của cách mạng, là cuộc cách mạng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển đất nước vươn tới hùng cường thì cần lựa chọn và nắm lấy khâu đột phá nhằm phát triển chính là thể chế. Không đột phá đổi mới thể chế nhằm giải phóng mọi tiềm năng và thực lực phát triển, tạo thời cơ phát triển mới thì rất khó có sự bứt tốc thành công nào như mong muốn. Đây chính là phương lược giải quyết các mối quan hệ lớn của sự đổi mới và phát triển đất nước.

Nếu thể chế là cái khung khổ bảo đảm trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn cho phép của các quan hệ giữa các nhân tố (cá nhân, tổ chức, giai tầng, quốc gia…) tham gia các quá trình tương tác; đồng thời, là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được pháp định hoá, theo đó, mọi cá nhân, tổ chức chia sẻ và hành động… thì đổi mới thể chế chính là đổi mới những nguyên tắc (không phân biệt hình thức của nó) được hiện thực hoá bằng cơ chế, pháp luật, hệ chính sách động lực và đòn bẩy về phát triển kinh tế, xã hội, hệ thống quy chuẩn về phương thức hành xử, tương tác trong xã hội, được xã hội thừa nhận và quy định thành khế ước.

Đột phá cải cách xứng tầm và bức thiết là thể chế, thể chế và thể chế.

Thể chế được xây dựng từ hai nhân tố pháp trị và đức trị được xây dựng từ luật pháp thống nhất với truyền thống xã hội, dư luận xã hội, pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế nhằm định hướng và bảo đảm mọi sự phát triển kinh tế xã hội một cách thống nhất và cân bằng. Phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm là nhân tố hợp thành cơ chế vận hành và phương thức lãnh đạo và quản trị phát triển hiện nay, là rường cột của đổi mới thể chế.

Không như thế không thể có chủ động, tự do sáng tạo hay bất cứ sự phát triển đột phá nào, càng không thể có bất cứ sự thành công nào như mong đợi trên phương diện đổi mới thể chế với trung tâm là phát triển quyền lực và việc kiểm soát quyền lực - những trọng sự cấp bách nhất và có ý nghĩa thành bại hiện nay đối với sự nghiệp đổi mới, trước hết và trực tiếp thực thi ba khâu đột phá chiến lược trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2025.

Do đó, đổi mới và dũng cảm đột phá thể chế - đột phá của đột phá phát triển   toàn diện kinh tế xã hội phải là mục tiêu của đổi mới thể chế.

Tăng trưởng kinh tế, về thực chất, là sự thể hiện khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của mối liên hệ giữa giá trị gia tăng (cân đối bên trong) với giá cả suy giảm (cân bằng bên ngoài) và tăng năng suất lao động (hài hoà ở giữa). Tức tăng trưởng kinh tế về chất lượng là phải gắn với tăng năng suất lao động xã hội, chứ quyết không phải là lối “đốt tiền lấy tăng trưởng” hay kiểu “đổi kiểu hy sinh môi trường sinh thái để lấy tăng trưởng” lầm lạc hay hão huyền nào đó (!).

Và, đến lượt phát triển kinh tế, nó bao hàm: bản chất (trao đổi hàng hoá: phát triển thị trường) - thực chất (sản xuất trao đổi hàng hoá: phát triển kinh tế thị trường) - tính chất (sản xuất hàng hoá: phát triển kinh tế). Do đó, nó là mối liên hệ cân đối, cân bằng, hài hoà giữa phát triển, kinh tế và thị trường trong nền kinh tế thị trường một cách khách quan giữa bản chất, thực chất, tính chất của phát triển kinh tế thị trường trong quốc gia. Đồng nhất và lầm lẫn giữa tăng trưởng với phát triển nhất định sẽ chuốc lấy thất bại ngay trong từ tư duy, càng không thể nói về đổi mới thể chế tương dung.

Thể chế phải mở đường, là động lực và môi trường của tăng trưởng và phát triển, chứ không phải ngược lại.      

Hai là: Đột phá đổi mới thể chế mở đường cho phát triển. Khi mục tiêu đổi mới thể chế vì sự phát triển thì tổng thể và trung tâm đổi mới ở đây là nhận diện và lựa chọn thể chế động lực, phòng ngừa và khắc chế hệ quả thể chế mang tính phản động lực.  

Không nhận diện đúng và đổi mới thể chế chính trị, kinh tế xã hội… và những vấn đề chung quanh thể chế, không thể nói tới vấn đề đổi mới đúng, trúng và hiệu quả đối với các phương diện của đời sống chính trị xã hội và đối ngoại của đất nước. Do đó, một cách tự nhiên, không kiến tạo và đổi mới các hệ thể chế một cách thống nhất và hiệu quả, chúng ta không thể đổi mới thể chế chính trị như mong muốn, càng không thể đổi mới thể chế kinh tế… trên tầm quốc gia một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tương hợp với xu thế, thậm chí là siêu xu thế phát triển của thời đại hiện nay. 

Thời cơ và yêu cầu phát triển của thời kỳ mới tăng tốc và phát triển đòi hỏi chúng ta đổi mới theo hướng đó.

Kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ tổng thể phát triển quốc gia tuỳ thuộc vào việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các vấn đề phù hợp với điều kiện cụ thể; đồng thời, chủ động giải quyết tổng thể, thống nhất các vấn đề khác, đã để lại một bài học lớn về phương pháp luận và nghệ thuật chọn khâu ưu tiên và tổ chức thực tiễn, trên phương diện kiến tạo thể chế vì mục tiêu phát triển hiện nay và tương lai.

Vì vậy, trên tầm tổng thể, cần tiếp tục đổi mới chính trị đồng bộ với kinh tế và xã hội là công việc quan thiết trong tổng hoà sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ, trên cơ sở tiếp tục đột phá và tạo sự bứt phá về kinh tế làm nền tảng công cuộc đổi mới một cách mạnh dạn và kiên quyết, với động lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số hoá và trí tuệ nhân tạo song hành kiến tạo thể chế chính trị phù hợp xứng đáng dẫn dắt công cuộc đổi mới một cách đúng đắn và sáng tạo… Đồng thời, cải cách thể  chế xã hội, thể chế an ninh quốc phòng và đối ngoại tương dung với nhịp độ và tốc độ đổi mới trong tư cách là môi trường và động lực bảo đảm quốc gia ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Nói cách khác, đột phá vào toàn bộ các “mắt xích” quan trọng nhất trong toàn bộ sợi dây chuyền sự nghiệp đổi mới nhằm tạo nên cú “huých” một mặt công phá vào những “lô cốt” pháp lý đang trói buộc hữu hình (hệ chính sách lạc hậu, mô hình phát triển chưa tương hợp, hệ thống pháp luật cần sửa đổi…) và cả vô hình (tâm lý, tầm nhìn, đạo đức…) đáp ứng sự phát triển một cách tất yếu đối với từng phương diện; mặt khác, tạo khung khổ và động lực phát triển một cách chủ động, toàn diện và đồng bộ trên cơ sở giải phóng toàn bộ sức mạnh tiềm ẩn và hiện hữu của nội lực quốc gia, đồng thời thâu thái sức mạnh quốc tế, trên cơ sở pháp lý và phù hợp với thông lệ và pháp lý quốc tế, trên tất cả các phương diện đổi mới một cách tổng thể và hài hoà, trong tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045.   

Thực tiễn công cuộc đổi mới tất yếu đã và đang đòi hỏi bức thiết chúng ta dứt khoát chuyển mạnh từ tư duy tồn tại sang tư duy cơ cấu đồng thời với tư duy động lực (nguồn động lực, hệ động lực, vùng động lực…) nhằm phát triển đất nước, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số, với nhân tố và động lực lớn bằng những đột phá về thể chế.

Ở đây, có thể nói, bao hàm bốn nhân tố rường cột cấu thành hệ thể chế đất nước và chi phối việc đổi mới, kiến tạo thể chế: 1-Thể chế kinh tế giữ vai trò trung tâm; 2- Thể chế chính trị giữ vị thế dẫn dắt; 3- Thể chế xã hội giữ vai trò động lực chủ yếu; và 4- Thể chế chính trị quốc tế giữ vai trò động lực quan trọng.

Không đột phá cải cách thể chế tối thiểu như thế, trên tất cả các phương diện đổi mới, với 4 nhân tố rường cột trên, chắc chắn sẽ không có bất cứ sự phát triển nào như mong đợi.

Đó không chỉ là tầm nhìn, bản lĩnh, phương lược mà cũng là nghệ thuật, nói một cách hình ảnh, trong công việc tạo khung trời, cảnh giới bầu trời cho các con diều tự do bay lượn và nắm lấy các dây diều điều khiển chúng chứ không phải trực tiếp nắm lấy các cánh diều trên trời và lệnh cho chúng bay, dù là bất kể phương diện kinh tế nào hay bất cứ phương diện nào.

Tiến sĩ Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục