Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đề nghị làm rõ hơn về quan điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm làm sao tránh lãng phí, chồng chéo, đạt được mục đích quy hoạch đã đặt ra.
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương |
(BTN) - Phát biểu về dự thảo Luật Đất đai tại kỳ họp Quốc hội ngày 19.11.2012, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị làm rõ hơn về quan điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm làm sao tránh lãng phí, chồng chéo, đạt được mục đích quy hoạch đã đặt ra.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận định, hiện nay trên cùng một mặt bằng đất đai đang có ít nhất ba bộ quản lý Nhà nước thực hiện ba loại quy hoạch: Quy hoạch kinh tế - xã hội thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư; Quy hoạch sử dụng đất thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT); Quy hoạch xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Bộ TN&MT quản lý với vai trò tiền đề, đưa ra những số liệu về diện tích đất, loại đất phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh v.v... Tuy nhiên các ngành kinh tế xã hội khác như Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Văn hoá, Giao thông thì căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội để xây dựng các quy hoạch của ngành mà quy hoạch này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết lập và quản lý, trong đó cũng có yêu cầu về đất đai và sự phát triển của ngành kinh tế xã hội. Tương tự như vậy, ngoài quy hoạch mặt bằng đất đai và cũng là công cụ quản lý đất đai còn có quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng bao gồm yếu tố sử dụng đất đai đảm bảo phân bổ hợp lý khâu chức năng của đô thị, quy hoạch này được giao cho Bộ Xây dựng cùng với hệ thống cơ quan ngành dọc thiết lập và quản lý.
Như vậy, giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm chung là đều phải tích hợp đầy đủ với quy hoạch tổng thể phát triển và các quy hoạch ngành. Cả hai cùng quy hoạch trên một mặt bằng đất đai và đều phải sắp xếp mặt bằng này sao cho thực hiện được mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội. Nhưng do cơ chế quản lý thuộc hai bộ khác nhau với một hệ thống ngành dọc khác nhau, và do nhiều nguyên nhân khác mà hai loại quy hoạch này chưa gắn kết được với nhau, nên trên thực tế có sự trùng lặp về nội dung quy hoạch. Thực tế khi triển khai cả hai thì không rõ quy hoạch nào thực hiện trước và làm căn cứ để quy hoạch kia phối hợp, do đó quy hoạch định hướng phát triển không gian của Bộ Xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của Bộ TN&MT hiện nay không trùng khớp với nhau.
Mặt khác, trong quy hoạch chi tiết sử dụng đất do ngành Tài nguyên - Môi trường giúp UBND các cấp thiết lập, nếu là đất phi nông nghiệp ở trung tâm đô thị sẽ trùng lặp với nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, và nếu là đất nông nghiệp sẽ trùng với nhiệm vụ của quy hoạch ngành Nông nghiệp. Việc cùng một lúc các cơ quan khác nhau cùng lập quy hoạch cho một mặt bằng đất đai không những gây tốn kém, lãng phí ngân sách Nhà nước, lãng phí nhân công, thời gian mà còn thiếu đồng bộ, chưa kể đến bản thân các số liệu cơ sở, các tiêu chí không trùng khớp.
Từ nhận định này, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị trong luật cần quy định cụ thể một cơ quan chuyên trách về quy hoạch ở mỗi địa phương và Trung ương, cơ quan này có chức năng quản lý và rà soát các quy hoạch sao cho thống nhất và xuyên suốt, đồng thời có quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến quy hoạch.
Về vấn đề tranh chấp đất đai, đại biểu đề nghị nên để toà án thực hiện. Trong luật sửa đổi kỳ này có sử dụng hình thức trưng mua, nếu cơ quan hành chính tiến hành trưng mua không thống nhất được giá đền bù thì người bị trưng mua đất có thể khiếu nại cơ quan ra quyết định; nếu không được thụ lý thì người bị trưng mua được quyền kiện cơ quan này ra toà.
Đối với Điều 35 của dự thảo luật về vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Phương đề nghị bổ sung thêm các vai trò như: Vai trò phát triển kinh tế - xã hội hướng tới hiệu quả kinh tế cao và tạo ra công ăn việc làm, vai trò quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm được mục tiêu và mục đích sử dụng đất dài hạn, các tổ chức và cộng đồng chấp nhận. Vai trò quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiết lập được cơ chế điều phối chính sách, ngân sách giữa các tổ chức. Đối với Điều 57 về quy tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng, đại biểu bổ sung nguyên tắc phát triển bền vững, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các yêu cầu cần cho thế hệ mai sau. Đại biểu Phương nói: “Nếu chúng ta không có quy tắc này thì tương lai thế hệ sau sẽ không có gì để sử dụng trên mặt bằng đất”.
DUY QUANG
(Lược ghi)
____________
(*) Tựa đề do toà soạn đặt