Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thêm địa chỉ đỏ truyền thống cách mạng ở Tây Ninh
Thứ ba: 16:53 ngày 30/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ nay, ở Tây Ninh có thêm một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đó là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271, vừa được xây dựng ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Phối cảnh công trình Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271.

Ngược dòng lịch sử

Trung đoàn 271, tiền thân là Trung đoàn 812, thành lập ngày 18.12.1947, tại cực Nam Trung Bộ. Năm 1954, Trung đoàn tập kết ra Bắc, lập nhiều chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào.

Tháng 11.1971, Trung đoàn hành quân vào Nam chiến đấu. Từ năm 1972-1975, Trung đoàn tham gia các chiến dịch ở Tây Ninh, Long An và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm 1978-1989, trong đội hình Sư đoàn 302, Trung đoàn chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Từ tháng 3.1992 đến nay, Trung đoàn thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7. Trung đoàn 2 lần vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong quá trình hoạt động, Trung đoàn có hơn 2.177 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên các chiến trường. Trong đó, có 277 liệt sĩ hy sinh do bom B52 ở Tà Săng (Campuchia) ngày mùng 5 Tết Nhâm Tý (19.2.1972) và ở Tây Ninh giai đoạn 1972-1979. Để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 271 hy sinh ở Tà Săng và Tây Ninh, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Thường vụ Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn 5, các ban, ngành tỉnh Tây Ninh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 271 đầu tư công trình Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271.

Vật thờ cúng nhà bia đều được chế tác từ đá xanh của tỉnh Ninh Bình.

Công trình khởi công ngày 19.5.2023, trên một phần đất ven rừng, gần Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên). Sau hơn một năm thi công, công trình đã hoàn thành và được khánh thành vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024) vừa qua. Chi phí xây dựng công trình khoảng 3,5 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hoá.

Công trình được xây dựng bằng bê tông xi măng kiên cố. Bên trong có bia đá, khắc dòng chữ Tổ quốc ghi công và thông tin của 277 liệt sĩ Trung đoàn 271 hy sinh ở Tà Săng và Tây Ninh từ 1972-1979. Trước bia đá là bàn thờ, bộ lư hương, đôi chim hạc và đôi lục bình, lan bao quanh, bậc tam cấp, 4 trụ cột bằng đá chạm khắc hình rồng, mây.

Tất cả vật tư đều được chế tác bằng đá xanh của tỉnh Ninh Bình. Tiến sĩ Chu Đức Tính- thành viên Trung đoàn 271, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh E271 phía Bắc tâm sự: “Những vật tư này do đồng chí Trần Minh Tâm- nguyên Trung đoàn trưởng 271 lặn lội tìm đến làng đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình mua, thuê thợ chế tác, vận chuyển từ miền Bắc vào đây. Vì ông muốn có hơi ấm của quê hương, nơi phát tích 3 vị vua che chở cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ”.

Các lãnh đạo dự lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271.

Trước nhà bia có đặt ba tảng đá kích thước khá to, được mài nhẵn, đen bóng. Trên tảng đá cạnh cổng khắc dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 271 hy sinh ở Tà Săng (CPC) và Tây Ninh từ 1972-1979”. Tảng đá trong sân khắc tóm tắt lịch sử hình thành, hoạt động và danh hiệu của Trung đoàn 271.

Tảng đá còn lại khắc những dòng tưởng niệm của ông Trần Minh Tâm- nguyên Trung đoàn trưởng: “Hỡi các anh/ Tuổi đôi mươi chí khí anh hùng/ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”/ Trái tim hồng hiến dâng Tổ quốc/ Vâng lời mẹ cha cùng giữ bao lời hẹn ước/ Bộ đội Cụ Hồ tiến bước dưới đạn bom/ Thịt nát xương tan, linh khí trường tồn/ Những đồng đội thép Trung đoàn 271/ Hỡi các anh linh/ Thân thể hoá đất đai cho đời tươi tốt/ Cho hoà bình, độc lập tự do/ Cho non sông sông rạng rỡ cơ đồ/ Cho thắm đỏ lá cờ Anh hùng E271/ Xin cung thỉnh lên cao xanh/ Chúc các anh linh thiêng, thanh thản...” .

Nơi lưu giữ ký ức một thời oanh liệt

Nhắc đến những hoạt động của Trung đoàn hơn 50 năm trước ở vùng đất này, Tiến sĩ Chu Đức Tính nhớ lại: “Tây Ninh là một phần của lịch sử Trung đoàn, một phần của tuổi trẻ với những kỷ niệm sâu lắng khó quên trong ký ức của mỗi anh em chúng tôi.

Đây là nơi diễn ra những trận chiến đấu đầu tiên của Trung đoàn trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên năm 1972; là địa bàn phòng thủ, là căn cứ xuất phát tiến công của Trung đoàn trong chiến tranh bảo vệ biên giới và giải phóng Nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng năm 1978-1979.

Địa danh Bàu Lùng, Tà Xia, căn cứ Bình Minh, cửa khẩu Mộc Bài, Thiện Ngôn, Xa Mát… gắn liền với những vinh quang rạng rỡ và hy sinh to lớn của Trung đoàn. Đã có 277 đồng chí trong tổng số 2.177 liệt sĩ của Trung đoàn nằm lại trên mảnh đất này. Các anh ra đi khi tuổi còn rất trẻ, đa phần là mười tám, đôi mươi…”.

Về thăm chiến trường xưa, CCB Trung đoàn 271 Trần Minh Trí kể, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là trinh sát quân báo, đồng thời phụ trách vô tuyến điện, làm nhiệm vụ ở các chiến trường Tây Ninh, Campuchia. “Trong các trận chiến, nhiều anh em đã ngã xuống. Ngày hôm nay, đơn vị đã làm được Nhà bia tưởng niệm. Từ nay, đồng đội, gia đình các liệt sĩ biết được nơi hy sinh và có nơi thắp hương tưởng nhớ. Tôi rất cảm ơn những đơn vị, thân nhân đã chung tay xây dựng nhà bia tưởng niệm này để hằng năm vào những dịp lễ, tết có nơi để ghi ơn, chia sẻ, làm ấm lòng những người nằm xuống”- ông Trí bộc bạch.

Các lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm trước Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271.

Là thế hệ trẻ của Trung đoàn 271 ngày nay, nữ Đại uý quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thị Kiều Chi tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi được đơn vị tạo điều kiện cho tham dự hoạt động về nguồn. Đến đây, tôi cảm thấy rất tự hào về truyền thống của đơn vị. Tôi rất trân trọng và biết ơn tinh thần, ý chí của các bác, các anh đã không tiếc máu xương để đất nước và thế hệ trẻ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tôi và đồng đội sẽ khắc ghi, phấn đấu trong công tác để xứng đáng với truyền thống với thế hệ cha anh đi trước”.

Thế là từ nay, ở Tây Ninh có thêm một địa chỉ đỏ truyền thống cách mạng. Công trình được xây dựng ven đường đất đỏ, thuận tiện cho giao thông. Những ngày lễ, tết, lịch sử trọng đại của dân tộc, các cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh có thể tổ chức hoạt động về nguồn. Đến đây để hiểu thêm nhiều về lịch sử oai hùng của Trung đoàn 271 và sự hy sinh thầm lặng của thế hệ cha ông hơn nửa thế kỷ trước.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục