Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Theo bà nội đến trường
Thứ hai: 23:15 ngày 14/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong khi các bạn cùng trang lứa được cha mẹ đưa đón đi học thì từ bé, em Phạm Thị Nhã Trúc chỉ biết theo bà nội đến trường.

Hai bà cháu ngồi trên nền gạch, vì nhà không có bàn ghế.

Phạm Thị Nhã Trúc (ngụ khu phố Lộc Hoà, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) có tuổi thơ kém may mắn. Cha mẹ ly hôn khi Trúc mới 2 tháng tuổi, từ đó, cô bé sơ sinh được bà nội chăm sóc, nuôi nấng.

Hôm chúng tôi đến thăm, gặp Nhã Trúc ngồi dưới nền nhà, dùng chiếc ghế nhựa làm mặt bàn để viết bài, bà nội cũng ngồi cạnh đứa cháu gái. Căn nhà của hai bà cháu trống trơ trống hoác. Trong nhà không có được một bộ bàn ghế, cũng chẳng có vật dụng gì đáng giá.

Nhìn đứa cháu chăm học, bà Đỗ Thị Hường, 64 tuổi- nội của Trúc kể: “Hồi nhận nó về nuôi, tôi không đủ tiền mua sữa cho nó bú. Bà con trong xóm thấy thương, mỗi người cho ít tiền mua sữa.

Những lúc không có sữa, tôi cho nó uống nước cơm pha đường. Lúc không còn đường, tôi lấy nước cơm lạt đút, nó cũng uống hết. Quen cảnh nghèo, ăn uống kham khổ, bây giờ cho cục thịt kho, nó ăn xong bữa cơm, cục thịt vẫn còn y nguyên”. 

Bé Trúc vào lớp Một, bà Hường mượn chiếc xe gắn máy cũ của người con để chở cháu đến trường. Khoảng cách từ nhà đến Trường tiểu học Thanh Hoà (khu phố Thanh Hoà, phường Lộc Hưng) khoảng 6km, để tiết kiệm tiền xăng, sau khi Trúc vào lớp, bà Hường giăng võng dưới gốc cây trước cổng trường nghỉ ngơi, chờ đến giờ tan học chở cháu về nhà.

Hôm nào Trúc học thêm buổi chiều, bà Hường cho cháu ăn cơm xong, chở về trường và tiếp tục chờ đến xế chiều. Thương nội vất vả, Trúc luôn cố gắng học hành. Theo lời bà Hường, Trúc không đi học thêm, nhưng năm nào cũng đạt thành tích tốt, được nhà trường khen thưởng.

Nhờ lãnh thưởng mà Trúc có tập vở đi học. Không có tiền mua sách giáo khoa mới, đầu năm học, Trúc xin lại bộ sách giáo khoa cũ của người chị trong xóm, sau đó em dùng bút xoá những nội dung ghi chép trong sách. Trúc tâm sự: “Trong các môn học, Toán và tiếng Việt em luôn đạt điểm 9, 10. Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này trở thành cô giáo, kiếm tiền nuôi bà nội”.

Hoàng cảnh kinh tế gia đình bà Hường khá khó khăn. Chồng qua đời từ lâu, để lại cho bà Hường 7 người con. 6 người con đã lần lượt lập gia đình ra ở riêng và chẳng ai có điều kiện kinh tế khá giả. Những năm gần đây, bà Hường bị bệnh nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, không còn làm thuê làm mướn được.

Tất cả chi tiêu gia đình đều đặt lên đôi vai người con trai út. Không may, hai năm trước, con trai út của bà cũng qua đời, để lại hai bà cháu bơ vơ. Trước tình cảnh đó, chính quyền địa phương đã xây cho bà Hường căn nhà Đại đoàn kết và trao tặng bà một con bò cái.

Sau một thời gian, nhận thấy mình bị bệnh tim, không đủ sức khoẻ chăn nuôi nên bà đã trả lại bò. Hiện nay, bà Hường sống dựa vào chế độ trợ cấp với số tiền gần 900 ngàn đồng/tháng.

Thỉnh thoảng con cháu cho bà vài trăm ngàn đồng chi tiêu, chữa trị. Bà Hường nói: “Ước mơ lớn nhất của tôi là làm sao có được chiếc xe đạp điện để hằng ngày đưa cháu đi học, vì tôi không có xe gắn máy và cũng chẳng có tiền đổ xăng”.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục