Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2023)

Theo ngọn cờ của Đảng đến bờ bến vinh quang 

Cập nhật ngày: 02/02/2023 - 20:35

BTNO - 93 năm trước, một ngày đầu Xuân Canh Ngọ, ngày 3.2.1930, lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đã chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông, Trung Quốc.

93 năm trước, một ngày đầu Xuân Canh Ngọ, ngày 3.2.1930, lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đã chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông, Trung Quốc.

Sự kiện Đảng ta ra đời là bước ngoặt to lớn của lịch sử cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh thế giới mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa, trong đó đất nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp xâm lược từ hơn nửa thế kỷ trước.

Với lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ khi thực dân Pháp mới đặt chân đến nước ta, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của quần chúng chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng về đường lối cách mạng.

Giữa lúc đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước trên thế giới đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.

Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.

Từ ngày 6.1 đến ngày 7.2.1930, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị cũng đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Đảng gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9.1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh đạo Trung ương Đoàn, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chụp hình lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh Tố Tuấn

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền, chỉ trong vòng 15 năm với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đã đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỷ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Toàn cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh Tố Tuấn

Khái quát ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Trong những năm 1945-1946, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (6.1.1946); xây dựng và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên (9.11.1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ và Nam Trung bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng tháng Tám; đồng thời thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo.

Tháng 12.1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Genève chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hoá, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Genève, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh Tố Tuấn

Ở miền Bắc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của, hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Ở miền Nam, Đảng lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân bằng tầm cao khoa học và nghệ thuật. Đương đầu với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Đảng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại.

Với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ hy sinh của nhân dân ta, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh, giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.

Qua 32 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên.

Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam đã có quan hệ với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (1935), Đảng ta có khoảng 500 đảng viên. Đến Đại hội lần thứ XIII (2021), Đảng ta có hơn 5 triệu đảng viên.

Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh, Bình Phước thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Dự án cầu và đường kết nối Bình Dương - Tây NinhẢnh Tố Tuấn

Những thành tựu qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước đã tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Đúng như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trên quê hương Tây Ninh, 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh không ngừng phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết, quật cường trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và ách thống trị hà khắc của chế độ phong kiến, tay sai, liên tục đứng lên theo tiếng gọi của Đảng làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền tay sai phản động, lập ra chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân từ cơ sở đến tỉnh.

Chiến thắng ấy, bắt nguồn từ Cách mạng tháng Tám 1945 ở Tây Ninh thành công (25.8.1945), Đảng bộ Tây Ninh chỉ có 25 đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, các đảng viên đoàn kết, chấp hành nghiêm Chỉ thị của Xứ uỷ, sống trong lòng dân tuyên truyền vận động, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng, nhất là đồng bào tín đồ Cao Đài, kiên quyết chống kẻ thù, đứng lên giành chính quyền từ bọn tay sai phát xít Nhật.

Toàn cảnh Thành phố Tây Ninh. Ảnh Tố Tuấn

Trải qua chặng đường 93 năm (1930-2023), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Tây Ninh cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua những bước thăng trầm của mỗi thời kỳ cách mạng để giành lấy thắng lợi.

Thắng lợi đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh, nhất là thời kỳ sau giải phóng, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh… đều không ngừng phát triển, làm “thay da đổi thịt” mảnh đất vô vàn khó khăn, gian khổ của các cuộc chiến tranh. Đó là hiện thực của cuộc sống mà không ai có thể phủ nhận.

N.T.H

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)