BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thí điểm “Bí thư kiêm Chủ tịch”: Hiệu quả tích cực trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở

Cập nhật ngày: 05/10/2010 - 11:37

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khoá X), Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch về thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Trong năm 2009, Tỉnh uỷ đã chọn 5 đảng bộ cơ sở để lần lượt thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hoá là: Thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu), xã An Bình (Châu Thành), phường II (thị xã Tây Ninh), xã Tân Lập (Tân Biên) và xã Phan (Dương Minh Châu).

Thực hiện mô hình mới, các đảng bộ được chọn làm điểm đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Nội dung quy chế làm việc cụ thể; xác định rõ nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Đảng uỷ, UBND, của đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND và từng thành viên, các mối quan hệ trong hệ thống chính trị làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Gò Dầu nhiệm kỳ 2010-2015 - Đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm nhất thể hoá Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND

Qua hơn một năm thực hiện thí điểm nhất thể hoá, việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo được sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương. Tình hình kinh tế - xã hội của các đảng bộ thực hiện thí điểm phát triển khá. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định; chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Việc đề ra nghị quyết, triển khai tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của đảng bộ chính xác hơn, rút ngắn được thời gian từ khâu triển khai đến tổ chức thực hiện. Sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công việc hằng ngày càng gắn bó, dân chủ hơn. Đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đã góp phần cùng cấp uỷ đề ra nghị quyết lãnh đạo và chịu trách nhiệm cùng UBND tổ chức thực hiện, nên tính khả thi của nghị quyết cao hơn, xử lý nhanh hơn, khoa học và có hiệu quả những vấn đề phát sinh, xảy ra trên địa bàn. Hoạt động lãnh đạo điều hành của đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn từng bước ổn định, thể hiện được năng lực lãnh đạo, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, huy động được lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, có điều kiện tiếp thu nhanh, trực tiếp các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kịp thời triển khai tổ chức thực hiện. Việc thực hiện mô hình nhất thể hoá Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn còn phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ tham mưu giúp việc, nhất là các đồng chí Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND; quyền hạn của bí thư và chủ tịch tập trung, nên trong chỉ đạo, điều hành thuận lợi và đạt hiệu quả. Việc thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hoá của tỉnh cơ bản đáp ứng được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm của đồng chí Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn của tỉnh Tây Ninh cao hơn mức phụ cấp Trung ương quy định.

Tuy nhiên, cùng với những mặt làm được, mô hình nhất thể hoá cũng còn những mặt chưa được: Đồng chí Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước nên còn có mặt hạn chế, khó khăn, nhất là đối với các xã chỉ có một phó chủ tịch UBND. Mô hình nhất thể hoá mới thực hiện thí điểm, nên trong quá trình thực hiện có nơi còn lúng túng. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một số ít cán bộ chưa toàn tâm, toàn ý với công việc. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp cơ sở, tuy có quan tâm, nhưng chưa thật sự tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho cơ sở.

Qua hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hoá, tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu: Đảng bộ cấp xã được lựa chọn thực hiện thí điểm phải là một đảng bộ có tình hình kinh tế-xã hội phát triển ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất, đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo đủ chuẩn và số lượng theo quy định. Đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, nhất là phải có năng lực quản lý Nhà nước; xã phải có 2 phó chủ tịch UBND; phải tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về mục đích yêu cầu, nội dung và phương pháp tiến hành; cần có thể chế, quy chế mới phù hợp với mô hình nhất thể hoá, nhằm tăng thêm thẩm quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND; Ban Thường vụ huyện, thị uỷ, UBND cấp trên cần tăng cường hướng dẫn kiểm tra, giám sát nơi được chọn làm thí điểm thực hiện mô hình này để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, không để xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền; có chế độ đãi ngộ thích đáng cho các chức danh chủ chốt (Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch UBND).

D.H