Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thi giáo viên giỏi: Không còn phù hợp, có tình trạng “diễn“
Thứ ba: 19:42 ngày 15/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi...", TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, cho biết.

Học sinh tiểu học trong một giờ lên lớp. Ảnh minh họa.

Như đã đưa tin, vừa qua, dư luận phản ứng việc một số trường ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi. Ngày 12-1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thành lập một tổ công tác, tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tại Hải Phòng để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh.

Sau khi kiểm tra, TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ liên quan và làm việc với nhà trường, Tổ công tác của bộ nhận thấy thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ. Thứ nhất, việc đánh giá đối với học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay là không xếp loại học sinh.

Thứ hai, qua kiểm tra hồ sơ của các em học sinh ở nhà không tham gia lớp học tại các tiết diễn ra hội thi, rất nhiều em có điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán và Tiếng Việt rất tốt. Như vậy không có căn cứ để cho rằng, học sinh giỏi được tham gia lớp học, học sinh yếu được cho ở nhà.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, học sinh được đến lớp là hoàn toàn có thật và cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với Ban tổ chức hội thi.

Tuy nhiên, trước đó, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 558/BGD-ĐT về việc chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Công văn nhấn mạnh, giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được "gà bài" trước cho học sinh; khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp... “Vì vậy, việc tổ chức Hội thi có sự sắp xếp lại sĩ số học sinh tại lớp học có tổ chức tiết dạy thi thực hành là chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của bộ”, ông Thai Văn Tài nói.

Tổ công tác cũng đã chỉ ra các vấn đề nhà trường cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm: việc thông tin giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh chưa đầy đủ, nội dung tin nhắn chưa thể hiện được hết nội dung cần truyền tải dẫn đến có thể hiểu chưa đúng thông tin cần trao đổi. Việc chọn cách thông tin bằng tin nhắn SMS đến phụ huynh cũng là chưa phù hợp vì hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh học sinh chưa sử dụng loại dịch vụ tin nhắn này nên nhiều phụ huynh không nắm được thông tin.

Vẫn theo ông Tài, Tổ công tác của bộ không chỉ để kiểm tra những thông tin phản ánh về việc một số trường học của Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu nghỉ học để thi giáo viên giỏi mà còn nằm trong lộ trình kiểm tra của bộ đối với việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi Thông tư số 21 (thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên). Thông tư số 21/2010/TT được ban hành từ năm 2010 đang được bộ chỉ đạo thực hiện chỉ đạo sửa đổi.

Khảo sát thực tế tại cụm thi Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và trao đổi trực tiếp với giáo viên cho thấy, giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21 để Hội thi giáo viên giỏi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên tham gia dự thi và công tác tổ chức.

“Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi”, ông Tài cho hay.

Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi. Việc sử dụng kết quả của Hội thi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích... Những ý kiến này đã được Tổ công tác ghi nhận và tiếp thu để tham mưu cho Bộ trưởng.

Vừa qua, để giảm áp lực của đội ngũ giáo viên từ quy định hồ sơ, sổ sách tới một số hội thi, cuộc thi giáo viên giỏi thiếu thiết thực và hiệu quả, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và tình hình thực tế tại các địa phương để làm căn cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định đã cũ, không còn phù hợp.

Việc sửa đổi Thông tư 21 tới đây sẽ theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019 để bảo đảm tính thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách của giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục