Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, ông Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn công tác đến kiểm tra tình hình phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thị xã Trảng Bàng. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Hà Minh Dảo – Phó Chủ tịch UBND thị xã.
Nghề rèn ở Lộc Trác. Ảnh: Đại Dương
Thị xã Trảng Bàng hiện có khoảng 18 ngành, nghề nông thôn tập trung theo từng cụm dân cư và phân bố theo từng vùng chuyên sản xuất, trong đó có 3 nghề truyền thống được tỉnh công nhận gồm: nghề làm bánh tráng tại phường Trảng Bàng, nghề lò rèn tại phường Gia Lộc và nghề mây tre đan tại phường An Hoà.
Thời gian qua, UBND thị xã quan tâm triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông; ứng dụng khoa học và công nghệ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xử lý môi trường hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thị xã. Các ngành nghề nông thôn có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở địa phương, thị trường trong nước, phục vụ xuất khẩu, tạo nguồn thu nhập ổn định cho cá nhân, hộ gia đình từ 3,8-15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội các ngành, nghề nông thôn vẫn đang gặp không ít khó khăn do đa số các cơ sở, hộ gia đình thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chậm đổi mới máy móc, công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nguyên liệu đầu vào ngày càng cạn kiệt.
Các sản phẩm thủ công đang phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp hiện đại gây khó khăn cho sự phát triển ngành nghề. Một số nghề truyền thống lâu đời đang có xu hướng mai một, thất truyền do không có lao động trẻ kế thừa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Tấn Đạt đề nghị UBND thị xã tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển các ngành nghề nông thôn, chú trọng các nghề truyền thống được tỉnh công nhận; xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển các ngành nghề, ưu tiên phát triển ngành nghề theo quy hoạch của tỉnh; bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống gắn với du lịch;
Đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm Ocop; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức hợp đồng liên kết; phát triển các vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nguồn lao động trẻ kế thừa.
Quốc Huy