Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thiên tai và nhân tai
Thứ hai: 22:09 ngày 16/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghe đài báo tin cơn bão số 11 sắp sửa đổ vào miền Bắc, miền Trung nước mình nữa rồi hả ông?

-Sắp gì nữa, theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương thì sáng ngày thứ hai 16.10 này bão số 11 tới vùng đảo Hải Nam, Trung quốc rồi ngoặc xuống phía Tây Tây Nam ở biển Ðông, vùng ảnh hưởng bão ở phía Nam vịnh Bắc bộ xuống tới vĩ tuyến 17 độ vĩ Bắc, tức là từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình trở ra…Dân mình khổ tới nữa rồi chứ sắp sửa gì!

-Ðúng là thiên tai liên miên xảy ra trên đất nước mình. Mấy ngày vừa qua miền Bắc, miền Trung bị những đợt mưa lớn liên tiếp gây ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân ta, trong đó thiệt hại nặng nhất là các tỉnh ở Tây Bắc như Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La, Ðiện Biên… vô tới các tỉnh Bắc Trung bộ như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Người chết và mất tích do lũ lụt lên tới cả trăm người; hàng trăm nhà cửa bị sập đổ, cuốn trôi; hàng ngàn héc-ta đất sản xuất bị ngập lụt, vùi lấp; hàng vạn người phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” cực khổ vô cùng. Rồi còn biết bao con đường giao thông, công trình thuỷ lợi, hệ thống lưới điện bị hư hỏng nặng nề, thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng…

-Tôi còn nghe có những cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng, cả phóng viên nhà báo đi cứu giúp đồng bào, đưa tin lũ lụt cũng bị nước cuốn trôi mất tích nữa hả ông?

-Ðúng là có hai sĩ quan biên phòng ở Thanh Hoá bị nước lũ cuốn trôi mất tích, mới tìm thấy một ít vật dụng tuỳ thân nhưng chưa tìm thấy người. Còn anh phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam bị lũ cuốn khi sập cầu Thia ở Yên Bái thì đã tìm thấy thi thể cách nơi cầu sập gần cả trăm cây số, được đưa về quê nhà ở Ninh Bình an táng rồi!

-Có hay tin thiên tai ở tỉnh này, tỉnh nọ mới thấy tỉnh mình thật là may mắn, quanh năm suốt tháng an lành, ít khi nào bị thiên tai, mà nếu có thiên tai thì cũng nhẹ nhàng, thoáng qua thôi hả ông!

-Phải rồi, tỉnh mình quả thật là may mắn, nằm ở vùng đất gần như không bị thiên tai, nhất là bão lũ. Thỉnh thoảng mới có một cơn giông lốc nhưng cũng thoáng qua thôi, thiệt hại nặng lắm cũng chỉ làm sập vài căn nhà, hoặc tốc mái vài chục căn nhà không kiên cố, vậy thôi…

-Ờ há, vậy mà sao cứ hễ mùa mưa tới là nghe báo chí mấy ông kêu ngập chỗ này, lụt chỗ nọ tùm lum hết vậy?

-Ðúng, mấy năm gần đây, cứ mỗi mùa mưa đến là y như rằng ở tỉnh mình có nhiều chỗ bị ngập nước. Nhưng…đó là “nhân tai” chứ không phải “thiên tai” ông ơi!

-Là sao? Ông nói vậy là sao? Sao là “nhân tai” chứ không phải “thiên tai”?

-Tôi nói “nhân tai” là vì tỉnh mình vốn là tỉnh miền rừng, nhưng khoảng nửa thế kỷ qua rừng đã bị phá mất rất nhiều, nghĩa là hệ sinh thái rừng tạo độ che phủ và điều tiết nước đầu nguồn không còn nhiều.

Mà phá rừng là tai hoạ do ai? Con người hay thiên nhiên? Rồi kế đến là tiến trình đô thị hoá theo kiểu “bê tông hoá” các khu vực dân cư và hệ thống giao thông không đồng bộ với hệ thống thoát nước, làm cho hệ thống thoát tự nhiên bị mất đi, nước mưa bị chậm thoát làm sao mà không ngập!

-Vâng, may mà địa hình khu vực dân cư tỉnh mình cũng cao, có ngập cũng không lâu, dăm ba bữa nước cũng rút hết thôi! Và dù sao biết rõ cái nguyên cớ “nhân tai” rồi thì cũng không phải là vô phương khắc phục, ông hả!

BÀN DÂN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục