Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cả quy trình được khép kín với các bước chuẩn bị rất công phu, đòi hỏi cần thủ phải hết sức tập trung, đó phải chăng là một chút “thiền” trong nghệ thuật câu cá thư giãn?
Tạp văn: Phước Hội
Thiền. Nghĩ cho cùng đó là sự tĩnh lặng, sự lắng đọng để tìm về chân nguyên của bản thể. Trong cuộc sống đầy chộn rộn, tất tả của cuộc mưu sinh, thiền giúp cho tâm trí và thể chất chúng ta được giải thoát khỏi bế tắc, tù đọng, như một dòng nước mát thanh lọc những uế trượt của thân và tâm, đưa ta vào một thế giới bình yên tịch tịnh.
Câu cá ngày nay không chỉ là một phương cách sinh nhai mà đã nâng lên tầm của nghệ thuật thư giãn. Khi trình độ săn bắt của con người ngày càng hiện đại thì ngay cả ở vùng “rốn” cá, chuyện “tựa gối ôm cần…” giờ cũng chỉ còn là một thú tiêu khiển của những kẻ nhàn hạ. Và không biết tự bao giờ nó đã trở thành thứ nghệ thuật làm mê đắm lòng người.
Tôi và ông bạn thân đã từng ngồi cả buổi để say sưa nghe một cao thủ kể chuyện câu cá. Không biết ông tên gì, chúng tôi gọi ông là “ông Sáu cá lăng”. Ông dân miệt Ðồng Tháp lên Tân Biên lập vườn cây ăn trái rồi mê luôn con suối Cần Ðăng mà ở lại không về quê nữa. Ông bảo cả đời chỉ thích mỗi loại cá lăng, thứ cá da trơn thịt săn chắc, chế biến món gì cũng ngon, xẻ thịt phơi làm khô hay ủ mắm càng “hết sẩy”.
Nhưng có một điều đặc biệt, ông chỉ bắt cá bằng mỗi cách là câu. Ông kể vanh vách những thuộc tính của loài cá này, cách chúng sống, sinh sản, tập quán ăn mồi… như một chuyên gia về cá. Việc câu bắt loại cá này cũng phải nâng lên tầm nghệ thuật. Nhà ông có một cái kệ khá to, trên đó bày đầy những keo, hũ thuỷ tinh có ghi ngày tháng cẩn thận.
Hỏi mới biết đó là mồi câu cá lăng. Mồi phải chế biến, ủ đúng quy trình, sử dụng đúng thời gian với nhiều cách pha chế để phù hợp từng mùa cá ăn, từng vùng cá sinh sống. Còn cách câu khỏi phải nói, đầy chất nghệ thuật. Ông từng một mình một ghe, ngược suối Cần Ðăng lên tận đất Campuchia để câu cá lăng, mỗi lần đi suốt mấy tuần lễ. Chỉ hình dung thôi cũng đủ để bái phục sự đam mê của một lão ngư.
Ði câu, phải có trước tiên là cần câu. Thuở đó ở chỗ chúng tôi làm gì có cần thụt, cần máy như bây giờ. Chỉ toàn là cần trúc. Làm một cần câu trúc vừa ý cũng khá công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại, kiên trì. Trước tiên là khâu chọn trúc. Phải là trúc già, màu thân ngả vàng, ngọn vót, suôn sẻ, lóng giao, mắt không quá lồi, chẳng bị sâu bệnh. Chọn xong phải làm dấu để nhớ.
Nếu trúc xin hoặc mua sau khi thoả thuận với chủ rồi để đó đợi đêm đến hoặc gia chủ vắng nhà thì “chặt trộm” đem về. Có như thế cần câu mới “linh” (?). Khâu róc nhánh, bỏ mắt cũng khá tỉ mỉ, dùng dao bén gọt thật nhẵn chỗ có mắt không để tì vết, không làm xước vỏ, để cần đẹp và chắc chắn không bị gãy bất thường. Số mắt trên cần câu phải là số lẻ (9, 11, 13…) đếm từ dưới đến ngọn.
Dùng lửa hơ để uốn cần cho thẳng rồi đem phơi nắng thật khô. Vậy là đã có một cần câu vừa ý. Khâu làm cần câu cũng cho ta một cảm giác thích thú. Ðiều tối kỵ với dân đi câu là không được bước ngang qua cần câu, đặc biệt là phụ nữ (?). Những kiêng kỵ hơi có vẻ tâm linh chưa ai kiểm chứng, nhưng cũng là một cách để nâng chuyện câu lên tầm của một thứ “đạo”.
Khâu tiếp theo là chuẩn bị mấy đường nhợ câu gồm nhợ, phao, chì, lưỡi… Mỗi một chi tiết đều có những đòi hỏi khắt khe nên phải thực hiện trong một tâm thế say mê, tập trung và tỉ mẩn. Nhìn đường nhợ câu có thể đánh giá được sự tài hoa, trình độ, kỹ năng của cần thủ.
Nếu câu nổi, phao và chì phải cân đối với nhau, khi chìm xuống nước phần nổi của phao vừa phải đủ để giữ thăng bằng mồi câu bên dưới, đồng thời người câu dễ quan sát khi cá ăn mồi. Câu chìm ở chỗ suối, kênh nước chảy phải chọn chì sao cho bảo đảm giữ mồi không bị trôi, lưỡi không bị mắc vào đá ngầm…
Khâu “tóm” lưỡi câu cũng là cả một nghệ thuật, chắc chắn, lưỡi câu phải nằm thẳng với nhợ câu… Chưa kể tuỳ theo từng loại cá để chọn kích cỡ, hình dáng lưỡi câu cho thích hợp. Chuẩn bị cho một buổi đi câu không thể bỏ qua một khâu quan trọng là mồi câu. Mồi nào cá nấy. Mồi câu cần cũng khá đa dạng: giun, trứng kiến vàng, cám, tép, dế non… Việc đi tìm và chế biến mồi câu cũng rất thú vị, đòi hỏi sự chỉn chu. Bên cạnh mồi câu còn có mồi nhử như tổ mối, cám rang… để thu hút cá tìm đến vùng câu.
Người đời thường ví von, hãy tặng cần câu thay vì tặng cá. Nhưng chưa đủ, muốn được cá, cái quan trọng nhất là phải có kỹ năng câu cá. Những tín đồ trung thành của cái đạo “ăn giựt” không thích câu hầm, ao nuôi sẵn cá mà phải là câu cá ngoài tự nhiên, hoang dã mới thú vị.
Trước đây, khi lượng cá ngoài đồng còn dồi dào, việc tìm một chỗ câu lý tưởng không phải là chuyện khó khăn. Sông, suối, kênh, rạch, ruộng, ao, hồ, hố bom… có ở khắp nơi, tha hồ chọn lựa bãi câu. Ngày nay, cá đồng ngoài tự nhiên đã trở thành đặc sản, có nghĩa là số lượng đã giảm sút đến mức khan hiếm thì việc tìm chỗ câu được cá cũng trở nên gian nan hơn.
Riêng số anh em chúng tôi chỉ thích đi câu ở suối và hồ tự nhiên. Khung cảnh hoang vu tịch tĩnh càng khiến cuộc đi câu thêm phần thi vị, vừa thoả mãn thú vui săn bắt vừa để lòng lắng đọng trầm tư, chiêm nghiệm về những lẽ nhân sinh. Móc mồi, thả câu, ngồi đợi cá ăn, tập trung tâm trí vào chiếc phao nổi trên mặt nước đó cũng là một trạng thái thiền.
Nhìn cách chiếc phao chao động, những cần thủ lâu năm còn có thể đoán biết được loại cá nào đang ăn mồi, cá lớn hay bé để chọn thời điểm và dùng lực giật cần sao cho thích hợp, bảo đảm cá không sẩy. Cá dính câu chưa phải đã xong. Làm sao đưa được cá lên bờ cũng là cả một nghệ thuật cần sự tập trung cao độ, nhất là gặp cá to. Khi cá đã nằm yên trong giỏ mới có thể yên tâm về thành quả lao động của mình.
Cả quy trình được khép kín với các bước chuẩn bị rất công phu, đòi hỏi cần thủ phải hết sức tập trung, đó phải chăng là một chút “thiền” trong nghệ thuật câu cá thư giãn?
P.H