BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiêng liêng nghề quản trang 

Cập nhật ngày: 25/07/2024 - 10:06

BTNO - Những ngày này, cùng với cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh đang hướng về kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024) với nhiều việc làm, hành động nghĩa tình, tri ân. Đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành vào một ngày tháng 7, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người quản trang cần mẫn, cặm cụi nhang khói, quét dọn chăm lo từng phần mộ.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành một ngày trung tuần tháng 7.

Suốt 20 năm gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành, anh Trương Minh Thanh (sinh năm 1979), ngụ ấp Bình Long, xã Thái Bình, hàng ngày vẫn cần mẫn với công việc hướng dẫn thân nhân liệt sĩ thăm viếng, thắp hương các phần mộ, cắt tỉa cây cảnh, quét dọn, làm cỏ, thu gom rác làm sạch đẹp nghĩa trang.

Sau ngần ấy năm làm quản trang, anh Thanh thuộc lòng từng tên liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm được quy tập về nghĩa trang. Thậm chí anh còn quen mặt từng người thân liệt sĩ mỗi khi đến viếng thăm mộ. Trong quá trình làm việc, anh còn tìm hiểu và biết được rất nhiều thông tin, quê quán về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và an nghỉ nơi đây.

Anh Thanh cho biết, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành có diện tích khoảng 5.000m2, với 4694 ngôi mộ liệt sĩ. Nghĩa trang thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn đến dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt trong tháng 7 này, có rất nhiều đoàn trên cả nước đến viếng nghĩa trang.

Lật giở cuốn sổ ghi chép, anh Thanh cho hay, Nghĩa trang đón tiếp đông đảo thân nhân đến từ mọi miền đất nước, không phân biệt tuổi tác, thành phần. Họ đến đây đều giống nhau – là thân nhân liệt sĩ, là những vị khách đặc biệt của Nghĩa trang Liệt sĩ. 

Khi được hỏi về những kỷ niệm vui buồn với công việc mà anh gắn bó suốt hai thập kỷ, anh Thanh niềm nở đáp: “Tôi vui khi những gia đình đến tìm mộ và họ gặp được phần mộ của người thân, thấy gia đình họ phấn khởi thì trong lương tâm mình cũng thấy vui mừng.

Còn buồn là khi các cô chú lớn tuổi ở tận miền Bắc, vượt gần 2.000km, đến đây để tìm kiếm thân nhân, tôi giúp họ tra hồ sơ, danh sách nhưng vẫn không tìm được, khi đó nhìn thấy sự thất vọng của họ, tôi cảm thấy buồn trong lòng”.

Anh Trương Minh Thanh đang tra cứu thông tin hồ sơ mộ liệt sĩ.

Anh Thanh tâm sự, làm công việc này tuy không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và có cái tâm. Phải là những người yêu nghề, tự hào với công việc quản trang thì mới gắn bó lâu dài. Đối với anh, đây không chỉ là công việc, mà còn là một nghĩa cử, trách nhiệm thiêng liêng, cao quý của mình với những người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.

Đồng hành cùng anh Thanh trong công tác quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành, còn có anh Lê Trọng Thương, hai anh thay phiên nhau làm tốt công việc vệ sinh, nhang khói các phần mộ, tiếp thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Gắn đời mình với nghiệp quản trang, những người làm quản trang ở đây luôn tận tâm, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ sạch đẹp, ấm cúng, góp phần bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Có rất nhiều gia đình đến đây để tìm người thân của mình, nhiều gia đình đã tìm được phần mộ, nhưng cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt. Với những ngôi mộ chưa biết tên, các quản trang đều xem các anh như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được an ủi khi người thân chưa tìm thấy.

Thể hiện sự tri ân với những anh hùng đã khuất, các địa phương thường xuyên sửa chữa, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ sạch, đẹp, trồng cây xanh, lắp đèn chiếu sáng. Vào những dịp lễ tết, bên cạnh việc tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh anh dũng vì dân, vì nước, các ban,  ngành, đoàn thể còn thường xuyên ra quân chỉnh trang, dọn dẹp khuôn viên nghĩa trang. Với các doanh nghiệp thì hỗ trợ hoa, cây kiểng, kinh phí ốp đá hoa cương để các phần mộ thêm trang trọng…

Anh Trương Minh Thanh đang thắp nhang cho phần mộ liệt sĩ Hoàng Lê Kha tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành.

Giữa nhịp sống hối hả, vẫn có những người thầm lặng cống hiến cho đời bằng những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, trong đó có nghề quản trang. Và những câu chuyện đời, chuyện nghề của họ giúp chúng ta hiểu và trân trọng về sự hy sinh của thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Gặp họ, được trò chuyện với họ, chúng tôi càng hiểu thêm về những đóng góp lặng thầm của những con người rất đỗi mộc mạc, chân thành ấy. Mỗi năm khi đến ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7), những người quản trang lại tất bật hơn cho công việc chăm sóc mộ phần, tiếp đón thân nhân, người dân đến thăm viếng nghĩa trang, tri ân những anh hùng liệt sĩ, nhưng tất cả đều thấy ấm lòng, hạnh phúc vì công việc mình làm.

Hoàng Yến