Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhìn bên ngoài, khung cảnh núi Heo (một trong ba ngọn núi thuộc quần thể núi Bà Đen) trông khá im ắng, bình thường. Nhưng nếu có dịp lên núi “thâm nhập thực tế” mới thấy, nhiều vấn đề đáng lo ngại đang diễn ra hằng ngày nơi đây.

(BTN)- Nhìn bên ngoài, khung cảnh núi Heo (một trong ba ngọn núi thuộc quần thể núi Bà Đen) trông khá im ắng, bình thường. Nhưng nếu có dịp lên núi “thâm nhập thực tế” mới thấy, nhiều vấn đề đáng lo ngại đang diễn ra hằng ngày nơi đây.
Sáng 12.1.2013, chúng tôi quyết định “thâm nhập” núi Heo. Từ chân núi đi lên khoảng 150 mét đã thấy dưới gốc cây xoài, bên lối mòn một tấm bia bằng đá hoa cương. Trên tấm bia có khắc những dòng chữ mang nội dung khá ngô nghê: “Chiến sĩ liệt sĩ. Chiến sĩ thành công. Chiến sĩ trận vong. Bảng hổ tên đề”. Trước tấm bia là một bình hoa cúc còn tươi rói, bên cạnh có 6 chung nước, 3 chén cơm và một lư hương đầy chân nhang, tàn thuốc. Chẳng biết là bia tưởng niệm ai nhưng với cái kiểu cúng bái mập mờ như thế, rất dễ khiến cho người khác nhìn vào sẽ nghĩ đây là nơi ngã xuống của một (hay nhiều) chiến sĩ cách mạng nào đó, mà hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.
![]() |
Bệ thờ hàng chục tượng Phật bên trong hang Ông Hổ |
Lên một đoạn nữa, chúng tôi thấy trên một tảng đá nọ có tượng Phật bà Quan Âm ngồi thiền trên đài sen. Phía sau tượng, lại có một tượng khác- trông như đệ tử theo hầu Phật bà. Cạnh đó là tượng ba ông Phước, Lộc, Thọ. Nơi thờ cúng có mái che bằng sắt khá kiên cố, có bày biện hoa quả và khói nhang nghi ngút. Khi chúng tôi đến nơi, thấy có một người đàn ông và một người đàn bà trạc 45 tuổi đang sắp nải chuối, bông hoa ra trước các tượng rồi thắp nhang cúng vái. Hỏi thăm vài câu, thấy họ có vẻ cảnh giác, không nói gì, chỉ cúi mình xì xụp lạy.
Leo lên khoảng một trăm mét nữa, chúng tôi gặp một cái hang khá to. Trước cửa hang, có mặt bằng rộng gần 20 mét vuông, tráng xi măng sạch sẽ. Trên đó, có một khoảng nền lát gạch bông bóng loáng. Tại đây, có 4 người đàn ông, 3 người đàn bà đang nằm, ngồi la liệt. Cạnh bên, có một bếp lò đang nấu ấm nước, lửa cháy phừng phừng. Có cả rổ đựng chén, đũa và “hầm bà lằng” các thứ như: dầu ăn, nước tương, muối, tỏi, ớt v.v... Chúng tôi lân la bắt chuyện, theo lời một ông lão tên Phước, 72 tuổi: ông ở thị trấn Gò Dầu, do trước kia cha của ông từng làm nghề thầy pháp, nên bây giờ ông bị hành, đau nhức khắp người. Ông đã đi điều trị ở nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh mà không khỏi. Nghe người ta đồn lên hang này nằm ngủ trị được bách bệnh nên ông khăn gói tìm đến đây, mong được khỏi bệnh. Ông Phước khoe: “Tôi ở đây được mấy ngày rồi, nghe cũng bớt bệnh, chiều nay định xuống núi, trở về nhà”.
![]() |
![]() |
Bia thờ cúng liệt sĩ cạnh lối mòn |
Người đàn ông ngồi thiền trên sườn núi Heo |
Tất nhiên, chúng tôi khó mà tin nổi cái phép màu huyễn hoặc nào đó đang khiến cho ông lão nhẹ dạ, cả tin bị đánh lừa cảm giác mà không hay biết. Bước thử vào bên trong hang, chúng tôi nhìn thấy có một bệ thờ với hàng chục tượng Phật lớn, nhỏ đủ loại với đủ thứ trái cây, bông hoa, nhang đèn… Một bên vách hang là hàng chục khuôn hình Phật tổ Như Lai, Phật bà Quan Âm, Quan Công... Trong hang có nhiều mền, gối, võng xếp ngay ngắn, chứng tỏ ở đây có nhiều người thường xuyên ngủ lại.
Hỏi thăm một người dân đã hơn 30 năm làm vườn cây ăn trái trên núi Heo, chúng tôi được nghe ông kể: cái hang trên do bà con nông dân phát hiện ra, để có chỗ trú ẩn mỗi khi mưa to gió lớn hoặc để ngủ qua đêm trông chừng rẫy bái. Không hiểu từ lúc nào, có nhiều người kéo đến đây, bày ra chuyện thờ cúng. Họ đặt tên hang là hang Ông Hổ. Khoảng 3 năm gần đây, người ta còn đem gạch bông đến lát trong và ngoài hang để làm nơi nằm ngủ. Thỉnh thoảng có một số người kéo lên đây, ở cả tuần lễ mới về. Những ngày rằm, ngày tết thì số lượng người đến còn đông hơn.
![]() |
Nằm, ngồi la liệt trước hang Ông Hổ |
Cách hang Ông Hổ khoảng 10 mét, có một cái hang nhỏ khác, cũng có một vài tượng Phật đang được thờ cúng. Giữa trưa, một người đàn ông khoảng 70 tuổi ngồi xếp bằng hai chân, hai tay bắt ấn, mắt nhắm nghiền, bộ dạng như đang ngồi thiền. Trước mặt ông là một cái lư hương với ba cây nhang vừa mới thắp. Nhìn bề ngoài, người đàn ông này có vẻ như đang tập trung tịnh tâm ghê lắm nhưng kín đáo quan sát, chúng tôi thấy khi không có ai qua lại, ông ta móc điện thoại ra gọi cho ai đó, cười nói rổn rảng. Nhác thấy có người đi tới, ông ta lập tức trở lại… “dáng thiền” như cũ.
Tiếp tục leo lên gần trên đỉnh núi Heo, chúng tôi lại bắt gặp một điểm thờ cúng khác. Trên vách đá bằng phẳng, ai đó đã vẽ lên hình Phật bà Quan Âm, Phật Di Lạc và một con rồng to tướng. Nhìn kiểu vẽ công phu, có thể đoán người đầu tư “cụm thờ cúng” này có tay nghề và tốn không ít công sức tô vẽ. Điều đáng lưu ý là bên cạnh tượng Phật bà Quan Âm có đề những câu thơ mà vần điệu đọc lên nghe muốn… “trẹo bản họng”, còn nội dung, ý nghĩa ai muốn hiểu sao thì hiểu: “Thiên cơ nay đã lộ rồi/ Càn khôn vũ trụ chuyển xoay ngũ hành/ Năm châu bốn bể xa gần/ Rồng chầu, phụng múa, hổ gầm mẹ liền hiện thân/ Long Hoa đại hội lập đời thượng ngươn/ Thuyền rồng mẹ đậu đã lâu/ Trai tài gái sắc vẹn toàn/ Nhanh chân lẹ bước con hầu phật tiên”. Cuối những dòng thơ là những con số “15.03.04” và hai chữ “Giáp Thân”. Nếu những con số và dòng chữ này dùng để chỉ thời gian viết những vần thơ “trời ơi đất hỡi” trên, thì cái “công trình” này đã tồn tại ở đây gần 10 năm rồi.
Cái kiểu thờ cúng “búa xua” như thế (cũng giống giống hiện tượng cúng bái nhảm nhí đầy tính chất mê tín dị đoan ở hang Gạo, Hàm Rồng trên núi Bà Đen mà Báo Tây Ninh có phản ánh cách đây chưa lâu), không hiểu sao vẫn tồn tại qua cả một thời gian dài?
Thảo Nguyên