BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thoát nghèo nhờ nghề Nhang

Cập nhật ngày: 27/04/2012 - 03:08

(BTNO)- Chúng tôi đến cơ sở nhang Kim Phụng (ấp Phước An, xã Phước Ninh huyện Dương Minh Châu) vào khoảng giữa buổi sáng. Một chiếc xe tải nhẹ đang chất hàng chuẩn bị đưa nhang đi tiêu thụ. Chủ cơ sở là chị Nguyễn Thị Kim Phụng, sinh năm 1964, vui vẻ cho chúng tôi biết, đây là chuyến xe thứ hai xuất đi trong ngày.

Chị Phụng bảo, trước đây gia đình chị ở Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1995, cả gia đình đi kinh tế mới tại Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Chồng chị là tài xế nhưng không có chỗ làm ổn định, cuộc sống của gia đình gặp khó khăn khi con nhỏ thường xuyên đau ốm. Vợ chồng chị đã tìm mọi cách để bươn chải trong cuộc sống và nuôi các con ăn học. Cách đây 4 năm, thấy hoàn cảnh khó khăn của nhân dân trong ấp, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ cho người dân mấy chục máy se nhang đạp chân. Gia đình chị cũng được hỗ trợ một máy. Vừa sản xuất nhang, các gia đình vừa phải tự đi tiêu thụ ở các chợ trong huyện, trong xã. Nhận thấy đây là nghề có thể “sống được”, để khuyến khích mọi người không bỏ nghề, gia đình chị đã đi khắp các nơi trong tỉnh làm đầu mối tiêu thụ cho các hộ làm nhang. Nhờ đó, việc sản xuất nhang ở địa phương cũng ổn định hơn, chất lượng tốt hơn, được người dùng tin tưởng.

Chị Nguyễn Thị Minh Phụng (thứ nhất bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trong việc sản xuất nhang.

Từ chỗ gửi nhờ xe đưa sản phẩm đi tiêu thụ, cơ sở nhang Minh Phụng đã đầu tư mua xe tải chở hàng giao tận nơi. Sau đó, cơ sở Minh Phụng tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nhang ở Campuchia. Theo chị Minh Phụng, mỗi ngày cơ sở lãi được khoảng 1 triệu đồng.

Không dừng ở công việc sản xuất và tiêu thụ nhang, cách đây mấy năm, thấy phong trào nuôi ba ba trong ấp cho kinh tế khá, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia, gia đình của chị Phụng cũng đã đầu tư xây 2 hồ nuôi ba ba có diện tích khoảng hơn 200m2. Trừ tiền đầu tư và chi phí nuôi ba ba, sau thu hoạch, chị lãi được khoảng 30 triệu đồng. Nếu tính chung thu nhập từ sản xuất, mua bán nhang và nuôi ba ba năm 2011, cơ sở Minh Phụng thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Việc có ý nghĩa xã hội to lớn hơn chính là cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động trong ấp, ngoài ra còn giúp những lao động nhàn rỗi có thêm việc làm như: hái lá làm nguyên liệu nhang, chẻ chân nhang... Sau khi tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở phát triển vững chắc và ổn định, chị Nguyễn Thị Minh Phụng còn đứng ra mở lớp dạy tình thương cho các cháu nhà nghèo không có điều kiện đến trường. Năm 2011, chị đã mở các lớp đào tạo se nhang cho khoảng 200 người trong ấp và khu vực lân cận. Với vai trò là Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Phước An, trong năm 2012, chị dự kiến kết hợp cùng Hội Nông dân xã tiếp tục đào tạo các lớp se nhang cho những người dân trong khu vực có nhu cầu, vừa có thể tận dụng được lao động nhàn rỗi ở địa phương, vừa giúp các gia đình có thêm điều kiện xoá đói giảm nghèo.

Nguyễn Thị Cưng và con dâu cùng gia công xe nhang cho cơ sở Minh Phụng

Cơ sở Minh Phụng thường quan tâm đến công tác từ thiện, xã hội nhân dịp lễ tết. Hằng năm, cơ sở hỗ trợ cho các hội viên nghèo, gia đình khó khăn khoảng 5-7 triệu đồng.

Đến hộ của ông Phan Văn Sèn là gia đình gia công nhang cho cơ sở Minh Phụng, ông Sèn bảo sau một thời gian gia công cho cơ sở Minh Phụng, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định hơn. Ngoài 2 máy se nhang đạp chân do Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ, gia đình ông cũng đã mua được một máy se nhang điện gần hai chục triệu đồng từ số tiền làm gia công cho cơ sở Minh Phụng trong mấy năm qua. Máy se nhang điện có công suất cao hơn nhiều lần so với máy se nhang đạp chân, giúp cho người làm thực hiện nhanh hơn, mang lại nhiều sản phẩm hơn. Bà Nguyễn Thị Cưng, vợ ông Sèn cho biết, nhờ gia công nhang cho cơ sở Minh Phụng mà gia đình bà có cuộc sống ổn định, thu nhập mỗi ngày khoảng hơn 100.000 đồng từ gia công nhang.

Võ Cường