Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chùa Gò Kén- Thiền Lâm:
Thời vàng son trở lại
Chủ nhật: 10:58 ngày 17/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chùa Gò Kén sẽ trở thành tâm điểm khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và tâm linh của huyện Hòa Thành với 150 ha diện tích. Chắc chắn rồi sẽ có quy hoạch chi tiết đường đi lối lại thuận tiện nay mai. Và như thế Gò Kén - Thiền Lâm sẽ bước sang một thời vàng son mới, chưa từng có trong quá khứ.

1. Hướng về phía núi

Cuối năm 2018, tôi được leo lên toà tháp 9 tầng ở chùa Gò Kén - Thiền Lâm. Khi ấy, tháp vẫn còn đang thi công, giàn giáo trập trùng, ngổn ngang gạch vữa. Phật tử thường hay gọi tháp là Cửu phẩm liên hoa, nghĩa là chín phẩm hoa sen. Từ cổng chùa nhìn vào bên phải là tượng Bồ tát Quán Thế Âm, bên trái là toà điện thờ ngài Di Lặc. Cả hai đều được đặt giữa hồ nước luênh loang in bóng mây trời. Bên tượng Bà Quan Âm (theo cách gọi dân gian) thì hồ nước tròn đầy. Bên Phật Di Lặc, hồ lại có hình số 8, cũng là hai hình tròn lớn, nhỏ giao nhau.

Sau hồ nước có điện thờ Di Lặc ấy mới là toà Cửu phẩm liên hoa. Để khi đã thở ra đằng tai sau cả trăm bậc thang gạch cuốn vòm thì cảnh sắc đất trời bao quanh như đột ngột hiện ra ùa vào tâm trí. Núi Bà dâng lên, xanh sẫm phía trời xa. Thực ra, từ quốc lộ 22 B cũng đã thấy, nhưng lên đây mới rõ rệt tượng Bồ tát Quan Âm hướng mặt phía núi Bà. Trời nhô nhấp, bời lời mây trắng.

Tượng Bà mới khánh thành năm 2017 cũng tinh khôi màu trắng như mây. Hướng theo ánh nhìn của Bà, zoom thật dài ống kính, tôi chợt thấy đô thị Hoà Thành hiện ra, thấp thoáng giữa ngàn cây. Và kia, Toà thánh Tây Ninh với hai sắc đỏ, vàng rực rỡ. Những ngôi tháp cao và từng vệt mái nhà. Rừng thiên nhiên thẫm tối, sườn núi Bà như một vệt khói lam mờ làm hậu cảnh, để tôn lên những sắc độ màu chói chang, rực rỡ.

Và, ngạc nhiên chưa, trên cái vệt khói lam mờ như hoang tưởng ấy, lại nhô lên các trụ cáp treo mới công nghệ châu Âu, với lơ lửng những ca-bin đang trôi vào sương khói. Rõ là cảnh thực mà cứ tưởng mơ. Giờ thì tôi mới tin những trang viết của Trịnh Hoài Đức 200 năm trước trong sách Gia Định thành thông chí. Ông mô tả núi Bà có: “Cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm… Tục truyền trong hồ có khi thấy chiêng vàng, những truyện: khánh nổi trên bến, được chuông dưới sông… và khi đêm tạnh thấy thuyền rồng thênh thang, hát múa du dương; có khi thấy rùa vàng lớn hơn một trượng thình lình hiện ra…”. Thì trước mắt tôi đây trong làn khói sương, hai đô thị liền kề lấp lánh mái nhà, tháp cổ, rừng cây. Hiện thực sờ sờ mà vẫn hoang mang huyền thoại.

Ấy vậy mà trong hoang mang huyền thoại, vẫn thấy một sự thật hiển nhiên. Đấy là Gò Kén - Thiền Lâm, Toà thánh, núi Bà gần như nằm trên một đường thẳng. Ai có bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh thì ngước lên xem. Đo theo đường chim bay, từ Gò Kén đến Toà thánh gần tròn 5 cây số, đến đỉnh núi Bà là 14,5km. Đây là do con người khéo chọn, hay là “Tạo hoá khéo ra tay xếp đặt” mà ba địa điểm thuộc hàng địa linh, danh thắng xếp thẳng hàng theo hướng Bắc - Đông Bắc. Lạ kỳ chưa?

Núi Bà Đen, Toà thánh thì ai cũng biết rồi, đều là những chốn nô nức người về mỗi mùa lễ tết. Thế còn Thiền Lâm - Gò Kén?

Tượng Phật bà Quan Thế Âm ở chùa Thiền Lâm - Gò Kén.

2. Gò Kén, xưa và nay

Xin điểm lại vài sự kiện chính.

Một là, nhắc đến Gò Kén, chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài biết ngay đấy là nơi khai đạo Cao Đài. Tác phẩm Đạo sử của nữ Đầu sư Hương Hiếu kể rằng: “Buổi khai đạo tại chùa Gò Kén thật là một kỳ đại hội. Ban đêm hễ cúng thời Tý rồi thì cầu cơ nhập môn kéo dài đến 2 hay 3 giờ sáng thì phải lo nấu đãi một chập giải lao nữa. Như vậy trong ba tháng trường ngày lẫn đêm, tôi phải thường trực lo nấu ăn đi chợ và tiếp đãi không sót ngày nào…”.

Dự kiến lễ khai đạo sẽ chỉ diễn ra trong 3 ngày, từ 14-16 tháng 10 âm lịch năm Bính Thân, tức 18-20.11.1926. Trên thực tế đã phải kéo dài suốt 3 tháng. Còn tác giả Đồng Tân, trong một ghi chép về sự kiện này thì: “Các nhà tai mắt quan tâm rất nhiều, số xe hơi đậu dọc đường (quốc lộ 22B hiện nay) có đến mấy trăm chiếc. Thật không ai tưởng tượng bầu không khí náo nhiệt của thành thị lại đến nơi đây trong một khoảng đồng không mông quạnh từ bao giờ cho đến bây giờ…” (theo Nguyễn Thanh Xuân trong sách Đạo Cao Đài, hai khía cạnh lịch sử và tôn giáo, NXB Tôn giáo, 2013).

Hai là: Về sự kiện xây chùa Thiền Lâm. Có 2 nguồn tư liệu. Một là, Hoà thượng Từ Phong, tức Như Nhãn khởi sự xây chùa năm 1922 sau 11 năm dựng tạm lều tranh làm chốn tu hành. Đến 1925 hoàn thành và năm sau, nhân dịp đạo Cao Đài mượn làm lễ khai đạo, cũng là lễ khánh thành chùa mới. Một tư liệu khác cho biết Hoà thượng Từ Phong đặt viên đá đầu tiên năm 1914, và sau 11 năm xây dựng mới hoàn thành.

Về hoà thượng “khai sơn tạo tự”, Hoà thượng Từ Phong cũng là một vị cao tăng nổi tiếng của Phật giáo miền Nam. Theo sách Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX của Thích Đồng Bổn chủ biên: “Thế danh ngài là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 15.3 năm Giáp Tý (20.4.1864) tại thôn Đức Hoà thượng tổng Dương Hoà Thượng, huyện Bình Dương, Gia Định (nay là huyện Đức Hoà, tỉnh Long An). Năm 16 tuổi, khi cha mẹ bàn bạc lo gia thất cho mình, Ngài từ chối và xin được xuất gia. Sau khi được gia đình chấp thuận, Ngài đến chùa Từ Lâm ở làng Hiệp Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh xin quy y thọ giới với Thiền sư Minh Đạt là một danh tăng khả kính đương thời”.

Từ đoạn văn trên mà biết năm Hoà thượng tới Tây Ninh. Đấy là vào năm 1880. Khi ấy, thiền sư Minh Đạt, còn được gọi là Yết Ma Lượng tu tại chùa Từ Lâm, nay là Thiền Lâm cổ ở phường 2, TP. Tây Ninh. Là một người học rộng, lại đạo cao đức trọng, Ngài tham gia nhiều hoạt động trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Như, tham gia làm báo Từ Bi Âm của Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ xuất bản từ năm 1932 đến 1945. Hoặc, đi nhiều tỉnh, thành để “Hoằng dương Phật pháp”. Trong đó, năm 1930 làm Hoà thượng Đường đầu của Đại giới đàn tại núi Bà Đen (theo luận văn thạc sĩ Phật học “Tư tưởng của Hoà thượng Từ Phong”, 2015 của ni cô Thích Nữ Niệm Huệ).

Ba là: Về ngôi mộ của Yết Ma Lượng tại chùa Gò. Luận văn kể trên cho biết: “Năm 1920- 1925, thấy chùa Từ Lâm của thầy mình là Thiền sư Minh Đạt nằm trong khuôn viên Châu thành, Tây Ninh quá chật hẹp, Ngài dựng một ngôi chùa mới tại Gò Kén…Ngôi chùa này quy mô đồ sộ, trang trí đẹp nằm trong khu vực yên tĩnh, rộng rãi, tên là Thiền Lâm. Ngài cũng cho cải táng hài cốt của thầy về chùa mới, xây tháp tôn thờ…”.

Ngôi mộ Thiền sư Minh Đạt vẫn còn kia, dưới bồng bềnh hoa sứ trắng, ngay sau tượng Văn Thù bồ tát cưỡi sư. Tháp mộ nằm biệt lập phía trước, bên trái mặt tiền chùa. Bây giờ có thêm bóng tượng Bồ tát Quan Âm rủ xuống. Bia mộ cho biết, người nằm dưới là Hoà thượng Thích Trí Lượng, tổ đời thứ 38 môn phái Lâm Tế chánh tông. Ngài sinh năm Kỷ Mão (1819) và mất ngày 11.12 âm lịch năm Canh Tý (1900).

Thiền sư Minh Đạt là một trong số rất ít các vị danh tăng nổi tiếng ở miền Nam. Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết duy nhất về một vị tăng: “Sư Lượng: họ Nguyễn, tên là Trí Lượng, không biết quê quán ở đâu. Năm Thiệu Trị thứ 6 Lượng mắc chứng ung loét ở mũi, trăm phương cứu chữa mà không khỏi, nghe nói dưới núi Linh Sơn có chùa Phật rất thiêng, liền phát nguyện bỏ hẳn trần gian, nương mình cửa Phật… Bèn chân dép gai, gậy trúc mà đi, đến ngoài cửa tam quan quỳ dài để khấn… Đêm hôm ấy đến trống canh ba thì ngủ đi, thấy một bà già mặc toàn đồ thâm; lững thững đến trước mặt chỉ vào chỗ bệnh của Lượng và nói: “Hạ tuần tháng này bệnh sẽ tự khỏi”. Đến hạ tuần quả nhiên bệnh khỏi. Từ đấy Lượng trụ trì ở trong núi không trở về nữa”. Bà già áo thâm ấy, liệu có phải là Linh Sơn Thánh mẫu? Còn Thích Trí Lượng, thực tế có hơi khác. Ngài không “trụ trì” trong núi, mà về làng Hiệp Ninh lập chùa Từ Lâm cổ.

3. Thời vàng son trở lại

Cho đến nay, sau 8 năm trụ trì chùa, Đại đức Thích Thiện Nghĩa đã được các mạnh thường quân và phật tử hỗ trợ xây dựng thêm nhiều công trình tâm linh hoành tráng mà vẫn giữ nguyên trạng ngôi chùa xưa do Hoà thượng Từ Phong để lại. Tháp mộ của thầy vẫn còn kia, cùng kiểu với tháp mộ Đại lão Hoà thượng Thiền sư Yết Ma Lượng. Thân tháp cũng gầy gò như ba đốt trúc mà thôi.

Còn nhớ ba ngày đại lễ Vía Bà Quan Âm, 16 - 18.2 năm Đinh Dậu (2017). Đấy cũng là ngày khánh thành tượng Phật Bà cao 25m cao lồng lộng giữa hồ sen. Tăng ni, phật tử và khách hành hương nô nức đến chùa. Đông không thể tả. Chỉ có thể ví với dịp rằm tháng 10 năm Bính Thân, khi đạo Cao Đài mượn nơi này làm lễ ra mắt đạo mới ở miền Nam.

Tháng hai âm lịch, Tây Ninh lại đang giữa mùa lễ hội tưng bừng. Trên núi có hội xuân. Thành phố Tây Ninh, Châu Thành, Tân Biên cũng vào mùa lễ cúng Quan lớn Trà Vong ở 13 ngôi đình, miếu. Bởi thế người ta đua chen đến Gò Kén - Thiền Lâm. Mà không chỉ có người, chim chóc cũng bay về từng đàn vui hội Quán Thế Âm. Én lượn đầy trời, tụ thành đám mây trên bầu trời Gò Kén.

Để thỉnh thoảng lại chao mình xuống như một đám mây rớt xuống tự trời cao. Tôi cũng nhận ra người cả tỉnh đã về đây, vui hội Quán Thế Âm là nhờ các gian hàng ẩm thực chay miễn phí từ khắp nơi về phục vụ. Như một đại tiệc buffet với hàng trăm món dân gian. Nào bánh ít trần, bánh ú đồng quê, bánh đúc, nước sâm, sương sa, chè đậu…

Tượng La Hán chùa Gò Kén.

Những ngày hội, đường vào chùa đã không thể chen chân vì con đường độc đạo dài 250m đông nghịt người chen vai thích cánh. Ngoài quốc lộ 22B, đoạn qua chùa Gò Kén cũng ùn tắc, Cảnh sát giao thông phải tới hỗ trợ bà con. Hỏi sư Thích Thiện Nghĩa, trụ trì chùa phải tính sao đây? Thầy bảo, đã dự tính chuyện này nên từng đề nghị địa phương cho mở rộng gấp đôi đường vào chùa từ 5 năm trước. Năm nay còn chưa biết sẽ tính sao.

Thưa với sư thầy! UBND huyện Hoà Thành đã vừa công bố Quy hoạch chung đô thị Hoà Thành. Theo đó, chùa Gò Kén sẽ trở thành tâm điểm khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và tâm linh của huyện với 150 ha diện tích. Chắc chắn rồi sẽ có quy hoạch chi tiết đường đi lối lại thuận tiện nay mai. Và như thế Gò Kén - Thiền Lâm sẽ bước sang một thời vàng son mới, chưa từng có trong quá khứ. Biết được tin vui ấy, các vị Thiền sư đang nằm trong các bửu tháp kia, ắt sẽ nở cười.

TRN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục