Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông điệp từ Biden khi chọn tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam 

Cập nhật ngày: 21/04/2021 - 09:54

Biden cho thấy ông coi trọng chuyên môn khi đề cử Marc Evans Knapper, nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về Việt Nam, cho vị trí đại sứ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/4 đề cử ông Marc Evans Knapper làm tân đại sứ tại Việt Nam, thay ông Daniel Kritenbrink, người được chọn làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Đề cử đã được gửi đến Thượng viện hôm 19/4 và đang chờ thông qua.

Ông Marc Evans Knapper, người được Tổng thống Biden đề cử làm đại sứ tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Đề cử này cho thấy chính quyền Biden rất coi trọng việc bổ nhiệm vị trí này và mối quan hệ Việt - Mỹ. Knapper là viên chức ngoại giao cấp cao được nhiều người kính trọng. Ông từng làm việc tại đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội (năm 2004 - 2007) và nói được tiếng Việt. Thật khó để nghĩ ra một lựa chọn tốt hơn", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nói với VnExpress.

Ngoài đề cử Knapper làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Biden hôm 15/4 còn đề cử 8 nhà ngoại giao khác làm đại sứ tại các nước Somalia, Algeria, Bahrain, Lesotho, Cameroon, Angola, Senegal, Congo. Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, chỉ ra tất cả quan chức này đều là nhà ngoại giao chuyên nghiệp (có nền tảng ngoại giao chuyên nghiệp, phân biệt với quan chức được bổ nhiệm chính trị - người được Tổng thống, Phó tổng thống hay lãnh đạo cơ quan bổ nhiệm mà không nhất thiết cần có kinh nghiệm).

Việc Biden để cử một loạt nhà ngoại giao chuyên nghiệp trong động thái đầu tiên để lấp đầy các vị trí lãnh đạo cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài cho thấy Biden đang thể hiện ông trân trọng chuyên môn và sự chuyên nghiệp trong công tác đối ngoại, Thayer nhận xét. Tuy nhiên, sau này Biden cũng có thể bổ nhiệm chính trị.

Từ thời Jimmy Carter đến Barack Obama, số đại sứ Mỹ được bổ nhiệm chính trị chiếm 31% trong tổng số đại sứ. Dưới thời Trump, con số này tăng lên 43%. Chính quyền Biden đã thể hiện ý định tăng số lượng nhà ngoại giao chuyên nghiệp được bổ nhiệm làm đại sứ.

"Knapper là một lựa chọn tuyệt vời", giáo sư Thayer nói. "Knapper sẽ đến Việt Nam với hiểu biết về lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị của Việt Nam. Knapper cũng sẽ nắm bắt rất tốt các vấn đề kinh tế và an ninh khu vực ở Đông Á và được kỳ vọng sẽ làm việc tốt với cả lãnh đạo Việt Nam và các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ".

Marc Knapper là viên chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ, giữ chức Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ tháng 8/2018. Trước khi đảm nhận vị trí này, Knapper ở Seoul với tư cách là Đại biện năm 2017- 2018 và Phó Trưởng Phái đoàn tại Đại sứ quán Mỹ năm 2015 - 2016.

Trước đó, ông từng đảm nhiệm các vị trí giám đốc phụ trách vấn đề Ấn Độ và Nhật Bản. Ông cũng trải qua các vị trí tại đại sứ quán Mỹ ở Iraq và Nhật Bản. Ngoài tiếng Việt, ông còn biết tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Knapper, tốt nghiệp Đại học Princeton và có bằng thạc sĩ tại Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, từng hai lần làm việc tại Triều Tiên vào năm 1997 với tư cách đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhóm khảo sát lượng nhiên liệu đã qua sử dụng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon và năm 2000, với tư cách thành viên nhóm phụ trách chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Madeleine Albright.

"Việc Mỹ chọn Knapper làm đại sứ là điều tích cực cho Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia có quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam", Thayer nói thêm.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chỉ ra ông Knapper đã là tham tán chính trị trong đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ năm 2004 đến 2007, vào thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ Việt - Mỹ. Nhiều đột phá trong quan hệ song phương đã diễn ra vào thời kỳ đó, đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập WTO.

"Với năng lực, hiểu biết về khu vực và Việt Nam, đồng thời là người chứng kiến quá trình phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, Knapper được kỳ vọng sẽ có những đóng góp tốt cho quan hệ Việt - Mỹ", cựu đại sứ Vinh nói.

Giáo sư Thayer cho rằng Knapper sẽ phải đối mặt với ít nhất ba thách thức lớn. Ông sẽ phải làm việc với các quan chức Việt Nam để giải quyết những bất đồng trong quan hệ kinh tế song phương, vốn là di sản từ thời chính quyền Trump.

Knapper sẽ phải thuyết phục các quan chức Việt Nam tin tưởng và hợp tác với Washington để duy trì một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, ổn định và an toàn.

"Knapper cũng cần xua đi những lo ngại của Việt Nam về một chính quyền Biden bất ổn ở Washington có thể mất thế kiểm soát quốc hội trong bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022. Vấn đề nhân quyền cũng có thể là một trở ngại trong quan hệ song phương khi Hạ viện và Thượng viện đều do đảng Dân chủ kiểm soát", Thayer nói.

Giáo sư Thayer cho rằng chính sách với Việt Nam của chính quyền Biden sẽ có sự tiếp nối từ thời Trump. Hồi tháng ba, chính quyền Biden đã công bố Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời, trong đó nhấn mạnh "Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với Zealand, Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác để thúc đẩy các mục tiêu chung".

Chính quyền Biden sẽ ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam trong cả 9 lĩnh vực hợp tác được nêu trong tuyên bố chung ban đầu năm 2013 dưới thời chính quyền Obama, khi Biden là phó tổng thống, Thayer nhận định.

Cựu đại sứ Phạm Quang Vinh chỉ ra rằng Biden đề cử tân đại sứ trong bối cảnh Việt - Mỹ đã kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ vào năm ngoái. Hai nước đang trên đà nhân lên những phát triển trong những năm qua. Từ đầu năm, chính quyền mới của Biden liên tục thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam cả về song phương cũng như vai trò của Việt Nam trong ASEAN và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

"Nếu giữa Việt - Mỹ còn câu chuyện tồn đọng và khúc mắc thì với hiểu biết và cách nhìn nhận của ông Knapper, chắc chắn những vấn đề này sẽ được xử lý", cựu đại sứ nói.

Nguồn VNE