Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Thứ bảy: 09:08 ngày 18/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 17.11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn- Ảnh quochoi.vn.

Về hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý

Tại phiên chất vấn, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là việc xử lý nợ xấu. Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) đặt vấn đề: Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng đã được ban hành với kỳ vọng là đánh tan được cục máu đông của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế khi triển khai thực hiện cũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó thực hiện, do phần lớn tài sản đảm bảo bị kê biên liên quan đến các vụ án và hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện.

Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng cho biết cụ thể sự chưa hoàn thiện về hồ sơ pháp lý trong lĩnh vực xử lý nợ xấu là gì, và giải pháp của ngành để khắc phục cũng như thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 là thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với giải quyết nợ xấu, tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu, kém theo nguyên tắc thị trường không hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Với cương vị người đứng đầu hệ thống, Thống đốc sẽ làm gì để thực hiện vấn đề nêu trên.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Thống đốc cho biết những giải pháp đột phá, hỗ trợ nào để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tài sản xấu và thu hút các nhà đầu tư tham gia xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém trong điều kiện nguồn lực tài chính và chính sách ưu đãi của nhà nước còn rất hạn chế.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, về thực hiện Nghị quyết 42 đang có một số vướng mắc.

Thống đốc khẳng định Nghị quyết 42 là một khuôn khổ pháp lý rất quan trọng và hữu ích cho hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) chất vấn tại hội trườngẢnh quochoi.vn.

Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 15.8 và ngành đã có giải pháp triển khai rất cụ thể, đã rà soát và chỉ đạo rất quyết liệt, bám sát việc triển khai của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó ngành báo cáo một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc như đại biểu có nêu tài sản còn vướng là kê biên.

Liên quan đến một số vấn đề không phải số lượng lớn nhưng có một số vụ việc nợ xấu liên quan đến vụ án mà các cơ quan pháp luật đang điều tra, xử lý và đang kê biên tài sản. Việc này Thống đốc cho biết đã chỉ đạo tổ chức tín dụng cũng như công ty mua bán và xử lý nợ xấu VAMC phải tiếp tục báo cáo làm việc với các cơ quan chức năng.

Trên cơ sở từng vụ việc cụ thể, nếu cơ quan chức năng đã có kết luận hoặc cơ quan chức năng đồng ý thì có thể nhận các tài sản đang được kê biên cho các vụ án để có thể tiến hành xử lý. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức tín dụng sẽ phải tiếp tục thực hiện.

Về một số khoản nợ xấu có hồ sơ pháp lý không đầy đủ, Thống đốc cho biết vấn đề này chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm bằng bất động sản, có hồ sơ giấy tờ đất đai. Trong quá trình thực hiện cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng và trong kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ cũng như kế hoạch của ngân hàng nhà nước chỉ đạo tổ chức thực hiện thì việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho các tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là vấn đề ưu tiên.

Việc này các tổ chức tín dụng cũng sẽ phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt chính quyền địa phương cũng như Tòa án các cấp, các cơ quan thi hành án, để trên cơ sở tài sản xử lý của các vụ việc hoặc những tài sản đã được nhận bàn giao thì có thể đưa vào để xử lý trong thời gian sớm nhất…

Về vấn đề triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch

Bên cạnh đó, vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch cũng được các đại biểu đặt nhiều câu hỏi với Thống đốc. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng đồng hành với các bộ ngành chức năng, ngân hàng nhà nước đã dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp cần vốn để thực hiện mục tiêu này nhưng ít được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Việc triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách ưu đãi để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp, giải pháp của Ngân hàng nhà nước sắp tới sẽ phối hợp với bộ, ngành như thế nào để tháo gỡ tình hình này.

Thống đốc cho biết, thực tế quá trình triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch thì mới triển khai được khoảng 6 tháng, cho đến nay dư nợ đã đạt khoảng 36.000 tỷ trong gói 100.000 tỷ.

Trong đó kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%, như vậy tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư nguồn vốn lớn trung và dài hạn. Thống đốc cho rằng quá trình triển khai mới được thời gian ngắn như vậy mà tốc độ tăng trưởng, quy mô tín dụng như vậy cũng đã khá cao.

Có thể nói, với tổng dư nợ hiện nay đã có khoảng trên 6.400 khách hàng được tiếp cận, trong đó có khoảng hơn 6.000 là khách hàng cá nhân, còn lại là khách hàng doanh nghiệp.

Quá trình triển khai chính sách này đòi hỏi sự phối kết hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt giữa Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua đã phối hợp rất chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trên thực tế còn những vấn đề hạn chế, như đại biểu nêu việc khó tiếp cận vốn. Mặc dù Bộ Nông nghiệp quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu và ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhưng  doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận và đủ điều kiện đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cũng còn hạn chế. Đây cũng là một yếu tố làm cho các ngân hàng khi cho vay các doanh nghiệp rất thận trọng...

Các đại biểu cũng quan tâm chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm và khi nào thì chính sách cho vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định 100 được triển khai thực hiện ở các địa phương đến với đối tượng thụ hưởng; việc gian lận liên quan đến hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn có tình trạng một số công ty cho vay với lãi suất cao bỏ qua nhiều thủ tục cần thiết dễ dẫn đến tình trạng bất ổn trong thị trường tiền tệ ở cơ sở, ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri và nhân dân; mức vay tín dụng tối đa cho học sinh hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng/1 sinh viên là tương đối thấp, chưa phù hợp với mức sống và giá cả hiện nay; việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước như thế nào trong bối cảnh hiện nay để đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn từ nay cho đến hết năm 2018 và những năm tiếp theo; hệ quả của việc neo giữ tỷ giá quá lâu; tình hình sở hữu chéo và xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng cổ phần; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Filtech, tác động của Filtech tới hoạt động của ngành…

Vườn dưa lưới theo tiêu chuẩn Vietgap của nông dân Trảng Bàng- Ảnh minh hoạ.

Kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, đúng vấn đề. Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Thống đốc Ngân hàng nhà nước nắm chắc được tình hình và thực trạng, trả lời thẳng, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhận được sự hài lòng của đại biểu Quốc hội và được cử tri đánh giá cao qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là lĩnh vực khó, những tồn tại, hạn chế nội tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều năm trước đây đã và đang trong quá trình xử lý theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã và đang tích cực điều hành giải quyết.

Qua chất vấn cho thấy, các giải pháp điều hành của Ngân hành nhà nước cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ, giữ được sự ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này vẫn còn nổi lên những tồn tại, yếu kém, hạn chế mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập. Như công tác điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều thách thức; việc tiếp cận nguồn vốn cho vay còn khó khăn; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét, nhiều vấn đề đặt ra; kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế và tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thực tế vẫn còn ở mức cao, diễn biến phức tạp; tình trạng sở hữu chéo và vi phạm tỷ lệ sở hữu chưa được xử lý dứt điểm, mặc dù có nhiều cố gắng; việc bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn...

Trên cơ sở kết quả chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế mà đại biểu đã nêu…

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục