Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trả lời trước Quốc hội sáng 17.11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định vàng mất giá không xuất phát từ mất cân đối cung - cầu, nhưng không cơ quan nào quản lý sàn vàng.
Trả lời trước Quốc hội sáng 17.11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định vàng mất giá không xuất phát từ mất cân đối cung - cầu, nhưng không cơ quan nào quản lý sàn vàng.
Hầu như những câu hỏi gửi tới Thống đốc NHNN đều dài, trong khi Thống đốc trả lời rất ngắn gọn. Có tới năm đại biểu đứng lên tiếp tục chất vấn lại, do chưa hài lòng với cách trả lời đơn giản này.
"Sàn vàng là kẽ hở pháp luật"
Hàng loạt đại biểu đã chất vấn trách nhiệm của NHNN trong việc để giá vàng "nhảy múa".
ĐBQH Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) chất vấn: Phản ứng nhập khẩu vàng của ngân hàng khi giá lên đến đỉnh đã gọi là linh hoạt, kịp thời chưa? Trách nhiệm của Thống đốc đến đâu? Biện pháp tiếp theo để không tái diễn tình trạng này như thế nào?
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Quyết định nhập vàng không hề muộn màng. |
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho hay, từ năm 1999, theo Nghị định Chính phủ, Ngân hàng có chức năng quản lý vàng trong xuất khẩu, chế biến vàng miếng. Còn vàng hàng hoá mua bán trên thị trường đã được điều chỉnh theo Luật doanh nghiệp.
Khi giá vàng thế giới biến động rất nhanh, Ngân hàng đã liên tục dõi sát.
Liên tục các ngày 9, 10.11, Ngân hàng đã họp với giám đốc 5 ngân hàng thương mại và Hiệp hội vàng bạc để xem dân có rút tiền gửi, mua vàng không.
Vì thực tế, số vàng xuất ra thấp. Từ 2005 đến 2008, nhập vàng 279 tấn. Chúng ta mới xuất vàng từ cuối năm 2008 đến nay. Quota xuất 37 tấn. Ngoài ra, DN xuất khoảng 57 tấn hàng hoá. Như vậy là lượng vàng trong dân còn lớn.
Theo ông Giàu, đây là lần đầu tiên vàng mất giá không xuất phát từ mất cân đối cung - cầu.
"Các công ty vàng nhập khẩu liên tục, chở máy bay ra Hà Nội mỗi ngày vài chuyến, như vậy là không thể có chuyện thiếu được", Thống đốc nhấn mạnh.
Ông Giàu khẳng định, đã nghe ý kiến nhiều nhà khoa học, nhiều tiến sĩ khoa học trả lời trên báo chí, đồng thời cũng như đánh giá của cựu Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm hiện cũng là ĐBQH...
NHNN đã chọn giải pháp trấn an là công bố sẽ nhập vàng, nhờ đó giá trên thị trường đã dịu xuống. Thực tế, Nhà nước chỉ cần nhập thêm vài ba tấn.
"Quyết định này là kịp thời, không hề muộn màng. Đây là một kinh nghiệm trong quản lý thị trường", ông Giàu tâm đắc.
Thống đốc cho hay, đây là giải pháp trấn an, số nhập về không đáng kể nên sẽ không tiếp tục gây căng thẳng lên thị trường ngoại tệ cũng như nhập siêu.
Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Thị Hảo về sàn giao dịch vàng, ông Giàu khẳng định, các sàn giao dịch vàng đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đây là kẽ hở pháp luật.
"Không có cơ quan nào quản lý sàn vàng. Thống đốc không cấp giấy phép cho sàn vàng. Chính phủ đang lập Tổ nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động sàn vàng".
"Đồng Việt Nam đang mất giá hàng năm"
Là ĐB đầu tiên bấm nút, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn, chức năng của Ngân hàng Nhà nước là nhằm ổn định giá trị đồng tiền VN, vậy Thống đốc có trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra tình trạng đồng tiền mất giá? Đặc biệt trong năm 2010, khi thực hiện chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng tăng lương, bỏ trần lãi suất thì kiểm soát đồng Việt Nam thế nào?
Ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ là để ổn định giá trị đồng tiền.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, đồng tiền Việt Nam đang hàng năm mất giá.
Nhưng để ổn định giá trị đồng tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ cấu kinh tế, hiệu quả nền kinh tế. "Thời gian tới, khi thị trường hóa các loại giá sẽ tác động đến điều hành chính sách tỷ giá. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để điều hành tốt nhất", ông Giàu cam kết.
Trả lời câu hỏi của nữ doanh nhân Phạm Thị Loan về giải quyết tình trạng căng thẳng ngoại tệ, ông Giàu cho hay, giải pháp nhanh nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, kiềm chế nhập siêu nhưng như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng.
Theo ông Giàu, nếu làm theo gợi ý của một số chuyên gia là vừa điều hành linh hoạt vừa phá giá đồng tiền Việt Nam thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ vì nợ quốc gia về ngoại tệ đang lớn. Riêng nợ của khối DN đã lên tới 17 tỷ USD.
Chính phủ đang cân nhắc việc bổ sung ngoại tệ để giải quyết căng thẳng trước mắt.
Phát hành tiền xu không hiệu quả
Mang đến Hội trường một đồng tiền xu xỉn màu, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga chất vấn, năm 2003, khi đề nghị phát hành tiền kim loại, Ngân hàng Nhà nước đã thuyết trình rất kỹ về độ bền, sự cần thiết... và hứa sẽ phát triển hệ thống máy bán hàng tự động để tiền xu lưu thông trong thị trường.
"Nhưng sáu năm qua, hiệu quả sử dụng và độ bền đẹp thế nào, ai cũng biết", bà Nga nói.
Cho rằng Thống đốc kế nhiệm cũng phải có trách nhiệm để đảm bảo sự lưu hành đồng tiền hiệu quả, tránh lãng phí, bà Nga đề nghị Thống đốc Giàu nêu ý kiến về vấn đề này.
Ông Giàu cho hay, đưa tiền kim loại lưu thông trong thị trường là "quyết định của các đời Thống đốc trước".
Ngay khi nhậm chức, chính ông Giàu cũng đã nhận thấy đề án về tiền xu không hiệu quả vì thế Ngân hàng đã ngưng không tiếp tục phát hành thêm. Những đồng tiền không đảm bảo lưu hành cũng được thu về.
Bà Nga tỏ ra không hài lòng: "Tôi chia sẻ với Thống đốc phải điều hành trong điều kiện lạm phát và không muốn làm khó Thống đốc. Nhưng ở hai câu trả lời vừa rồi, Thống đốc nói rất đơn giản".
Nhận định nếu đã làm mà không đạt mục tiêu thì phải kiểm điểm và khắc phục, bà Nga cho rằng: "Về phát hành đồng tiền xu phải làm rõ tại sao thế giới làm tốt, hiệu quả mà ta thì không? Ngân hàng đã ngừng không phát hành hoặc thu về đồng tiền xu đã bị hư hỏng nhưng tại sao những đồng xu không gỉ, không hư hỏng mà dân vẫn không dùng? Thống đốc có hứa ở kỳ họp trước là sẽ phát triển máy bán hàng tự động, vậy đến nay thế nào, xin giải thích để dân yên tâm?".
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói, mục tiêu ổn định tỷ giá đồng tiền bị ảnh hưởng do đột biến lạm phát của năm vừa qua. Về tiền xu, các đồng tiền xu còn sạch và đẹp đều lưu hành bình thường. Hơn nữa do NHNN không còn phát hành nên dân mới ít dùng.
Ông Giàu tiếp tục "quên" trả lời bà Nga về lời hứa "phát triển hệ thống máy bán hàng tự động" cũng như giải thích về giải pháp khắc phục tình trạng mất giá đồng tiền trong năm tới.
Cũng trong sáng 17.11, hai Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đứng lên "chia lửa" với ông Giàu trước hàng loạt truy vấn của ĐB.
(Theo Vietnamnet)