BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thống nhất quan điểm Tây Ninh được thành lập vào năm 1836

Cập nhật ngày: 11/01/2012 - 03:46

Toàn cảnh Hội thảo

(BTNO) - Các nhà sử học và các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, căn cứ vào các sử liệu có thể khẳng định cái tên Tây Ninh lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản hành chính vào năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Đây cũng được xem là thời điểm xuất hiện địa danh Tây Ninh tại Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành vùng đất Tây Ninh” tổ chức tại Tinh Tây Ninh hôm 11.01.2012.

Hội thảo do Tỉnh uỷ Tây Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tham dự có ông Lê Minh Trọng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ chủ trì Hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Xuân Biên – Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hữu Phước – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KH-XH&NV TP. Hồ Chí Minh.

Chủ toạ Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Minh Trọng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào xác định một cách chính xác mốc thời gian ra đời địa danh Tây Ninh, ý nghĩa của từ Tây Ninh như thế nào nhằm khẳng định bề dày lịch sử của vùng đất Tây Ninh. Ông Lê Minh Trọng hy vọng, thông qua cuộc Hội thảo, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá, làm rõ bằng những luận cứ khoa học về lịch sử quá trình hình thành vùng đất Tây Ninh từ buổi đầu khai phá đến khi hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhất là xác định mốc thời gian ra đời tên tỉnh Tây Ninh.

Tiến sĩ Phan Văn Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Theo các tác giả Lê Huỳnh Hoa, Phan Văn Hoàng, Trần Thị Mai, Nguyễn Xuân Hoài, Đỗ Quỳnh Hoa... cho rằng, năm Mậu Dần (1698), Chúa Nguyễn Phúc Chu cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định gồm 2 huyện Phước Long và Tân Bình. Lãnh thổ huyện Tân Bình bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang ngày nay. Như vậy, vùng đất Tây Ninh hình thành cùng với quá trình hình thành phủ Gia Định. Năm 1788, sau khi củng cố thành Gia Định, Chúa Nguyễn Phúc Ánh chọn vùng đất phía Nam làm căn cứ lập nghiệp, gọi là Gia Định, chia ra làm bốn dinh: Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Định. Theo sự phân chia đó, vùng đất Tây Ninh ngày nay thuộc dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định.

 Các tác giả Lê Hữu Phước, Lê Huỳnh Hoà, Phan Văn Hoàng, Nguyễn Đình Thống, Trần Thuận đều trích dẫn sách Đại Nam nhất thống chí rằng: “Phủ Tây Ninh nguyên trước là đạo Quang Phong, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) mới đặt tên phủ hiện nay, kiêm lý huyện Tân Ninh và thống hạt huyện Quang Hoá”. Như thế hoàn toàn có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Tây Ninh trong văn bản hành chính. Cái tên Tây Ninh được ra đời với một khát vọng là vùng biên giới phía Tây được an ninh mãi mãi. Đến ngày 20.12.1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định đổi tất cả các Tiểu khu, Sở tham biện ở Nam kỳ thành tỉnh, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01.01.1900.

Các tác giả có bài tham luận tại Hội thảo khẳng định, nền hành chính ở Tây Ninh sớm nhất và hoàn chỉnh nhất vẫn là thời điểm 1836 khi Minh Mệnh cho thành lập phủ Tây Ninh, phủ này “kiêm lý thuộc Tân Ninh và thống hạt huyện Quang Hoá. Huyện Tân Ninh thuộc phủ Tây Ninh kiêm lý, lãnh 2 tổng, 24 xã thôn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là xác định mốc thời gian nào trong năm 1836. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thời điểm Minh Mệnh cho thành lập phủ Tây Ninh vào mùa thu 1836.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng đề nghị, các nhà sử học và các nhà nghiên cứu giúp đỡ Tây Ninh tiếp tục tìm kiếm, kiểm tra, đối chứng các sử liệu để xác định thời gian ngày, tháng cụ thể thành lập tỉnh Tây Ninh, cũng như sửa chữa, bổ sung các chi tiết sai lạc hoặc còn thiếu trong các bộ sách, trong đó có quyển Địa chí Tây Ninh.

Đ. Hoàng Thái