BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông qua chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011

Cập nhật ngày: 17/11/2010 - 11:09

Chiều 17.11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011, với tỷ lệ 83,16% số đại biểu tán thành. Quốc hội cũng thông qua hai dự án luật gồm Luật khoáng sản (sửa đổi) và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Nghị quyết chương trình hoạt động giám sát năm 2011, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau:

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XII: Quốc hội xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khoá XII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật khoáng sản (sửa đổi) gồm: 11 Chương, 86 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thăm dò, khai thác khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc phân chia nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay còn có những bất hợp lý. Một số địa phương nơi có khoáng sản khai thác chưa được đầu tư thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm từ các nguồn thu, trong đó có nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản điều tiết cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác thì ngân sách nhà nước sẽ bị xé lẻ và không bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với Luật ngân sách nhà nước.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về việc Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ căn cứ vào quy định của Luật này và các luật có liên quan để quy định cụ thể phù hợp với Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng dự án khai thác khoáng sản.

Đối với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về khoáng sản, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ toàn bộ tài nguyên khoáng sản quốc gia, trên cơ sở đó thực hiện việc cân đối, phân phối khoáng sản cho các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Như vậy, cần thiết phải có quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước.

Quy hoạch này sẽ xác định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và khu vực dành cho hoạt động khoáng sản cũng như xác định thời gian, tiến độ thăm dò, tiến độ khai thác khoáng sản phục vụ cho nhu cầu của các ngành kinh tế trong từng thời kỳ. Các ngành sản xuất sẽ căn cứ vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để lập quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản phục vụ cho nhu cầu sản xuất phát triển của ngành mình.

Ngoài ra, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện cả ở khu vực hoạt động khoáng sản nhưng chưa thăm dò khoáng sản và khu vực hoạt động khoáng sản đã thăm dò khoáng sản. Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khai thác khoáng sản phải thực hiện việc thăm dò khoáng sản. Kết quả thăm dò khoáng sản do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định và phê duyệt để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật khoáng sản (sửa đổi) với tỷ lệ 79,31% số đại biểu tán thành.

Luật khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm: 06 Chương, 51 Điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tỷ lệ 82,35% số đại biểu tán thành.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

(Theo NDĐT)