Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tư 29 có hiệu lực: Giáo viên rục rịch lo đăng ký kinh doanh
Thứ bảy: 00:30 ngày 15/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ hôm nay (14-2). Nhiều giáo viên đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để dạy thêm đúng quy định.

Một trong những quy định của Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Như vậy, từ hôm nay, những giáo viên trường công lập dạy thêm tại những nơi chưa đăng ký kinh doanh sẽ được xem là trái quy định.

Phụ huynh chờ đón con tại một trung tâm dạy thêm ở TP Thủ Đức. Ảnh: HẢI NHI

Tìm cách hợp pháp hoá dạy thêm
Trưa 14-2, cô Lê Hoàng Mai, giáo viên dạy Văn tại một huyện ngoại thành tại TP.HCM cho biết đã hoàn tất các thủ tục để tiếp tục dạy thêm một cách đàng hoàng, theo đúng quy định.

Ban đầu, cô Mai sợ mấy thủ tục phức tạp nên tính hợp đồng với trung tâm để giảng dạy.

“Là giáo viên giỏi, đầu năm học, một số trung tâm gọi điện mời tôi đưa học sinh về giảng dạy theo tỉ lệ 80/20. Ví dụ, học sinh đóng học phí 600.000 đồng/tháng, tôi sẽ được hưởng 80% của học phí đó, khoảng 480.000 đồng, còn trung tâm giữ lại 120.000 đồng. Tuy nhiên, dịp này do nắm bắt tâm lý nhiều giáo viên đang tìm chỗ dạy, trung tâm nâng tỉ lệ lên 35/65. Với mức đó làm sao tôi có thể dạy được, chưa kể còn chi phí điện, nước. Do đó, tôi nghĩ đến hướng đăng ký hộ kinh doanh” - cô Mai bộc bạch.

Là giáo viên trường công, viên chức nhà nước nên cô Mai không thể đứng đăng ký kinh doanh. Vì thế, cô đã nhờ người thân đăng ký dùm. Được người quen hướng dẫn, cô và người nhà tự đăng ký giấy phép hộ kinh doanh thông qua cổng dịch vụ công. Thủ tục cũng không quá phức tạp, cần cung cấp thông tin cá nhân, vốn đầu tư, thuế...Đến hôm nay cô đã nhận được kết quả.

Trong khi đó, do thực hiện các thủ tục khá trễ nên đến hôm nay thầy Nguyễn Minh Hưng, giáo viên toán tại một trường THPT ở quận nội thành vẫn chưa nhận được kết quả đăng ký kinh doanh.

Cách đây mấy năm, thầy Hưng ký hợp đồng dạy thêm ở trung tâm. Thù lao của giáo viên được chi trả thoả thuận theo tỉ lệ 70/30, 60/40 hoặc theo tiết dạy. Đồng thời, cuối năm bên trung tâm sẽ quyết toán tiền thuế cho giáo viên. Tuy nhiên, thầy Hưng nhìn nhận dạy ở trung tâm công sức bỏ ra nhiều nhưng thù lao nhận lại chẳng được bao nhiều. Từ đó, thầy mở lớp dạy tại nhà.

Khi Thông tư 29 ban hành, thầy Hưng tìm hiểu kỹ và nhờ người thân trong gia đình đứng ra đăng ký kinh doanh, sau đó thầy sẽ hợp đồng lại theo dạng làm thuê.

“Đầu tháng 2, tôi ra UBND quận hỏi về việc đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm. Bên quận trả lời vấn đề này còn quá mới, chưa thể triển khai ngay, mong thông cảm. Đến sáng nay 14-2, họ thông báo đã nhận đơn của tôi để xem xét việc đăng ký hộ kinh doanh” - thầy Hưng nói.

"Giáo viên được dạy thêm đàng hoàng hơn"

Một giờ học của cô trò Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận. Ảnh minh hoạ: NGUYỄN QUYÊN

Cô Lê Hoàng Mai đánh giá Thông tư 29 sẽ hạn chế được việc dạy thêm tràn lan và tránh được tình trạng giáo viên chính khoá ép học sinh đi học thêm. Bởi theo quy định, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được thu tiền học sinh chính khoá.

Nguyên tắc của cô Mai, dạy thêm sẽ triển khai từ trong hè, từ 1-7 sẽ bắt đầu dạy. Học sinh muốn học phải đăng ký trước 1 tháng. Còn bước vào năm học, cô không dạy đối tượng học sinh đang học chính khoá trên lớp. Đối với những học sinh khó khăn, cô Mai sẽ dạy miễn phí.

Dù đã nhờ người thân đăng ký hộ kinh doanh để tham gia dạy thêm theo đúng quy định nhưng bước đầu cô Mai nhận thấy bản thân cần phải làm quen dần vì các yêu cầu của hộ kinh doanh là phải đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, có kế toán, quyết toán thuế, báo cáo thuế đủ các kiểu.

Thầy Hưng cho rằng trước đây khi gom học sinh dạy tại nhà, thầy luôn trong trạng thái lo sợ, sợ bị phát hiện, sợ kiểm tra. Do đó, với quy định, dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, thầy Hưng cảm thấy được dạy thêm một cách đàng hoàng. Miễn giáo viên tuân thủ các quy định.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ Thông tư 29 trả lại sự tôn nghiêm cho ngành giáo dục. Thông tư này không cấm dạy thêm, học thêm mà là đưa dạy thêm, học thêm vào trong khuôn khổ để quản lý chặt chẽ, nề nếp hơn.

“Nhu cầu học thêm để phát triển, để phụng sự là cần thiết, nhưng phải xác định học thêm là hoàn toàn tự nguyện. Sở đang có văn bản lấy ý kiến các sở, ban, ngành của TP về việc quản lý dạy thêm, học thêm” - ông Minh nói.

"Án binh bất động" chờ văn bản hướng dẫn

Từ sau Tết Nguyên đán, tôi đã cho tạm nghỉ lớp dạy thêm tại nhà. Tôi có nghiên cứu các quy định của Thông tư 29 cũng như tìm hiểu việc đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, tôi khá lúng túng nên đang chờ hướng dẫn để thực hiện các thủ tục cho hợp pháp.

(CÔ TM, giáo viên dạy văn tại Bình Dương).

Trung tâm yêu cầu giáo viên ký cam kết không dạy học sinh chính khoá

Để thực hiện theo đúng quy định của Thông tư, bên tôi không cho thuê phòng để mở lớp dạy đồng thời tôi cũng yêu cầu giáo viên ký cam kết không dạy học sinh của mình, tránh phiền phức khi bị kiểm tra.

(GIÁM ĐỐC MỘT CÔNG TY VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO)

Khó tìm lớp học thêm chất lượng cho con

Trước giờ, con tôi học thêm các giáo viên dạy trong trường bởi họ nắm về năng lực của con và cách ôn tập phù hợp. Thế nhưng, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành, giáo viên thông báo đóng lớp, tôi chưa biết tìm chỗ nào để cho con học. Liên hệ một số trung tâm, số lượng học sinh kéo đến rất đông, có lớp đến 70 học sinh/lớp, chất lượng chưa được kiểm chứng, việc học sao hiệu quả. Tôi mong sớm có hướng dẫn để việc dạy thêm đi vào nề nếp, các thầy cô được dạy thêm đàng hoàng, các con được học với thầy cô mình yêu thích.

(MỘT PHỤ HUYNH CÓ CON LÀ HỌC SINH LỚP 12 TẠI QUẬN 3)

Gia đình tìm cách xoay sở giữ con

Vì tính chất công việc nên vợ chồng tôi chỉ có thể đón con lúc 18 giờ. Do đó, trước đây, 16 giờ 10 phút, con tan học sẽ được cô đưa sang lớp học thêm. Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán, lớp học đã tạm dừng. Do đó, vợ chồng tôi thay nhau đưa đón con. May mắn, chồng tôi dạy buổi sáng và buổi tối nên chiều có thể đón con, chỉ hôm nào có lịch dạy thêm buổi chiều, tôi cố gắng sắp xếp công việc để về sớm. Trước mắt là như vậy, còn về lâu dài chắc phải thuê người đón con và chơi cùng con 1-2 tiếng trong thời gian chờ mẹ về.

(chị THOA NGUYÊN, có con học lớp 1)

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục