Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Bộ Thông tin và truyền thông đã xử lý được một số trang báo mạng có tính chất lá cải như đình bản tạm thời, thu hồi giấy phép, đình bản hẳn. Tới đây Bộ sẽ tiếp tục thực hiện việc này”.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn xoay quanh vấn đề xử phạt và quản lý báo chí trong thời gian tới đây.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn. |
Thưa Thứ trưởng, trong thời gian qua một số cơ quan báo chí, nhất là một số trang báo điện tử có đăng tải những nội dung thiếu lành mạnh, gây tác động tiêu cực đến xã hội. Thứ trưởng đánh giá nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Như chúng ta thấy gần đây báo chí đã có sự phát triển rất mạnh, đặc biệt là báo chí điện tử. Các báo điện tử lại có các trang liên kết, và gần đây những trang liên kết lại thường khai thác, nhặt nhạnh trên các mạng xã hội những bài viết, rồi xào xáo, thậm chí còn bê nguyên xi để đưa vào trang của mình, coi đây là một bài viết của một tờ báo.
Việc làm đó không chỉ bỏ qua vai trò xã hội của người làm báo mà nó còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, bỏ qua quy trình tác nghiệp thông thường, từ đó dẫn đến những sai phạm rất đáng tiếc. Tôi ví dụ như bài Gái miền Tây và 3 chữ N, hay Bức thư gửi bố vừa qua đều lấy trên trang xã hội, xào xáo lại thành những bài viết của mình. Có người bê nguyên xi, có người rút tít lại để giật gân hơn, dẫn đến những sai phạm hết sức đáng tiếc. Đây cũng là một vấn đề cảnh bảo đối với báo điện tử hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn trong việc xử phạt các sai phạm vừa qua. Theo nhìn nhận của Thứ trưởng, điều này sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển chung của báo chí hiện nay?
Không phải Bộ Thông tin và truyền thông cứng rắn mà là thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật trong cách xử phạt các vi phạm của báo chí.
Như chúng ta biết trong thời gian gần đây các vi phạm ấy xảy ra thường xuyên hơn, gây tác động đến xã hội, làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng tới chính sách hậu phương quân đội và nó tác động rất mạnh đến từng gia đình. Việc xử lý những vi phạm đó của báo chí tôi nghĩ cũng là việc đương nhiên.
Đây cũng là bài học cho tất cả những người làm báo chúng ta. Cách làm báo đó theo tôi là kém và không phải làm báo chuyên nghiệp, mà có thể gọi là làm báo theo dạng lá cải.
Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc xử phạt bằng vi phạm hành chính cũng cần phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cơ quan chủ quản. Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về việc này?
Ý kiến đó hoàn toàn đúng, vì chuyện xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một hình thức xử phạt thôi. Bên cạnh đó chúng tôi còn đề nghị các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí phải xử lý nghiêm những cán bộ, phóng viên để xảy ra tình trạng như vậy.
Ngay cả với báo Tiền Phong trong xử lý trang Tấm Gương cũng là cách làm rất nghiêm khi xử lý cả người phụ trách trang đó và những người trực tiếp đưa bài viết đó.
Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục xử phạt những trang báo lá cải, đưa tin bài không kiểm chứng. |
Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có nói sẽ xem xét và thu hồi những ấn phẩm báo chí có xu hướng lá cải hóa. Việc này đã và đang được tiến hành như thế nào, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ làm gì để làm trong sạch hệ thống báo chí nói chung?
Hiện nay Bộ Thông tin và truyền thông đã xử lý được một số trang báo mạng có tính chất lá cải như vậy, ví dụ như đình bản tạm thời, có trang thu hồi giấy phép, đình bản hẳn. Tới đây Bộ Thông tin truyền thông tiếp tục thực hiện việc này.
Trong quy hoạch báo chí sắp tới, những báo có nhiều ấn phẩm phụ, nhiều trang liên kết thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm. Một là xem xét những trang nào mình không thể quản lý được và những trang nào thấy không có hiệu quả, nhất là hiệu quả về xã hội thì phải tự xin rút. Nếu không tự xin rút thì chúng tôi sẽ phải có những biện pháp khác để cùng với các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí lập lại trật tự…
Hiện những thông tin trên các trang mạng xã hội được sử dụng như một nguồn tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá như thế nào về việc kiểm chứng các nguồn tin này trước khi đăng tải?
Trước hết chúng ta phải thấy rằng mạng xã hội đã phát triển rất mạnh. Đã là người làm báo thì mình phải hòa đồng với nhịp sống, vì thế chúng ta phải lăn vào cuộc sống để có những tin bài thiết thực hơn chứ không phải cách làm báo “sống tầm gửi” vào Internet, chỉ ngồi trong phòng lạnh, lướt mạng để xào xáo lại thành tin bài của mình.
Những tin bài đó hoàn toàn không có kiểm chứng và đây là cảnh báo lớn cho những người làm báo. Nếu cứ xào xáo lại tin bài, hoặc lấy trên mạng làm thành cái của mình thì cách làm báo đó không có lợi và sẽ gây tác hại cho chính những người làm báo. Chúng ta phải khắc phục được những hạn chế này, để lấy lại niềm tin của bạn đọc đối với những người làm báo chúng ta.
Việc xử phạt vừa qua cũng được đông đảo dư luận quan tâm và đồng tình ủng hộ. Thứ trưởng có nhắn nhủ gì tới các cơ quan báo chí và chính những người làm báo hiện nay?
Việc xử phạt, đình bản tạm thời các cơ quan báo chí, hay thu hồi thẻ nhà báo…là việc làm chúng tôi hoàn toàn không mong muốn, nhưng với những sai phạm đó thì không còn cách nào khác.
Chính vì vậy chúng tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp, các cơ quan báo chí là tất cả chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa đối với bài viết, đối với xã hội và trách nhiệm đối với chính báo giới của chúng ta.
Đừng để xảy ra tình trạng giật gân câu khách, đưa những tin bài không có kiểm chứng, như vậy sẽ góp phần làm cho nền báo chí của chúng ta trong sạch hơn, đóng góp tiếng nói nhiều hơn vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn Infonet