Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng: Các thương vụ cần phát huy vai trò "tiền tuyến", thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng
Thứ bảy: 18:15 ngày 20/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới, cần tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Thủ tướng yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới, cần tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều tối 19/8, từ Trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến.

Cùng dự có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ/chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài.

Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, củng cố, phát triển các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025, trong bối cảnh các thị trường của Việt Nam được dự báo đang dần thu hẹp do tác động từ tình hình thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. 7 tháng năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta tiếp tục tăng cao, đạt hơn 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD.

Tại hội nghị, 14 đại biểu đại diện các cơ quan thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã phát biểu ý kiến, trao đổi về tình hình, chính sách của các nước; tập trung báo cáo về tiềm năng, nhu cầu của các thị trường, đòi hỏi, yêu cầu của các thị trường này, các biện pháp để đáp ứng thị trường; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, trong công tác phối hợp với nước sở tại, với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước.

Các đại biểu khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội để phát triển, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; gắn sản xuất với thị trường; thành lập các liên minh phát triển thị trường.

Thủ tướng muốn thông qua hội nghị này để phân tích tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng với tình hình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm các  nước Bắc Âu khác) cho biết, Bắc Âu gồm các thị trường có quy mô dân số tương đối nhỏ, nhưng thu nhập bình quân đầu người rất cao và kim ngạch nhập khẩu ấn tượng, lên tới khoảng 400 tỷ USD mỗi năm. Hơn nữa, nếu chinh phục được các thị trường luôn dẫn đầu các xu hướng này, chúng ta còn có thể bắt được xu hướng mới, đi tắt đón đầu và bứt phá thành công.

Tuy vậy, thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam thì không chú ý, còn các doanh nghiệp nhỏ thì không đáp ứng được các thị trường này. Đại diện thương vụ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập vào các "thị trường ngách" tại Bắc Âu, các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, ví dụ sản phẩm mít non đóng hộp đang được rất ưa chuộng tại đây, các sản phẩm làm từ tre, cói…

Đại diện thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết, đến nay toàn bộ các container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tại Italy đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 35 container bị mất chứng từ gốc. Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Italy về việc giải quyết vụ việc này. Điều này là minh chứng cho một Chính phủ kiến tạo, hành động, linh hoạt, bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài cũng cho biết, các nước trên thế giới đánh giá cao Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và xuất khẩu ấn tượng, đánh giá cao thị trường và hàng hóa Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu phân tích, giải đáp các vấn đề mà đại diện các thương vụ quan tâm, kiến nghị; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, tình hình có nhiều diễn biến, có chiều hướng bất lợi cho xuất khẩu của đất nước. Do đó, Thủ tướng muốn thông qua hội nghị này để phân tích tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng với tình hình; hy vọng sau hội nghị này các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, tình hình xuất nhập khẩu sẽ phát triển vượt bậc.

Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu phân tích, giải đáp các vấn đề mà đại diện các thương vụ quan tâm, kiến nghị; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong hơn 2 năm qua, tình hình có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp; song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, linh hoạt, quyết liệt của Đảng, Nhà nước; sự cố gắng, triển khai kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Trong các thành tích nổi bật đó, có sự nỗ lực hết sức quan trọng của Bộ Công Thương, các thương vụ ở nước ngoài.

Thủ tướng cho rằng, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giúp tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài; tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho ngành dệt may, da giày sản xuất, xuất khẩu khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn; tìm nguồn than đá từ Australia, Nam Phi, Lào cho nhu cầu sản xuất điện; hỗ trợ thu hồi hơn 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italy...

Thủ tướng nhận định, trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro và khiến ổn định kinh tế vĩ mô trong nước gặp nhiều thách thức, đặc biệt áp lực lạm phát gia tăng. Thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép. Dự báo các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm. Chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách "zero COVID" tại một số thị trường cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xuất khẩu của chúng ta theo hướng kém thuận lợi hơn.

Thủ tướng cho rằng, bối cảnh này đòi hỏi ngành công thương nói chung và hệ thống thương vụ ở nước ngoài nói riêng, tập trung triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm với kế hoạch, lộ trình và thời hạn cụ thể, làm việc nào dứt việc đó, không để tồn đọng, kéo dài, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hết sức linh hoạt trong triển khai công việc; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị và phân tích các kết quả, nhận định tình hình, Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Bộ Công Thương và các thương vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo, cùng với hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao, hệ thống thương vụ cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng chính về đất nước, con người Việt Nam; quan điểm phát triển đất nước, đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Trong quá trình đó, thực hiện xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Tại hội nghị, 14 đại biểu đại diện các cơ quan thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã phát biểu ý kiến, trao đổi về tình hình, chính sách của các nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đề nghị tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, quản trị mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, các thương vụ phải tích cực kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới; xây dựng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ, tính kết nối cao; xây dựng từng cơ quan thương vụ đoàn kết, thống nhất với đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc sảo, nhạy bén, trách nhiệm và chuyên nghiệp, bảo đảm cao nhất chất lượng, tiến độ và hiệu quả công việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: "Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới".

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng ngành công thương nói chung và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ phát huy truyền thống và những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đất nước hùng cường, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

 "Chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa; đã có quyết tâm cao rồi thì phải cao hơn nữa; đã nỗ lực phấn đấu nhiều rồi phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa; đã hành động quyết liệt rồi phải tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các thương vụ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, kiến nghị xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Nguồn baochinhphu

Tin cùng chuyên mục