Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo các các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp...Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Chính phủ đến 63 tỉnh thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ nghe đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, các khó khăn vướng mắc và các đề xuất giải pháp, kiến nghị đột phá.
Thay đổi chiến lược “Zero Covid”, thích ứng an toàn với dịch
Báo cáo đầy đủ về tình hình và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị của 64 hiệp hội doanh nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp với gần 400 trang văn bản, gần 200 kiến nghị cụ thể từ các báo cáo khảo sát và nghiên cứu của VCCI, công cụ tiếp nhận kiến nghị doanh nghiệp qua nền tảng tương tác trực tuyến VCCI Workplace của Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19 của VCCI.
Trong đó VCCI đưa ra những đề xuất kiến nghị về giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Đáng chú ý là VCCI đề nghị đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid 19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid 19 và Phục hồi kinh tế” nhằm đảm bảo truyền tải thông điệp “Cần nguồn lực để phòng chống dịch lâu dài” và “Phòng chống dịch chính là vì mục tiêu phát triển kinh tế”.
Ngoài ra, VCCI cũng đưa ra các giải pháp cấp bách và trước mắt, trong đó có các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất - kinh doanh an toàn, liên tục. VCCI cho rằng, với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang thực hiện “mục tiêu kép trong điều kiện mới”, cách tiếp cận trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng cần được thay đổi.
VCCI cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong trung và dài hạn…
Tại hội nghị, dự kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nghiệp vào ngày 8/8. Ảnh: Nhật Bắc
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, người lao động thất nghiệp do Covid-19 được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ.
Còn người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ họp Quốc hội khẩn xem xét thông qua Nghị quyết 03 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trước đó vài ngày, Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch…
Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tại đây, Thủ tướng đã nhắn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp rằng: Đây là thời điểm ‘lửa thử vàng- gian nan thử sức’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.
Nguồn vietnamnet