Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng: "Chúng ta bước vào thời kỳ cao điểm dịch COVID-19"
Thứ sáu: 12:03 ngày 07/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Y tế cho biết lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến, số trường hợp mắc theo cụm gia đình rất cao và dịch đã lan ra 12 tỉnh, thành.

Sáng 7-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19.

Phải giảm số người tử vong do dịch

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta đang bắt đầu vào thời kỳ cao điểm của làn sóng dịch COVID-19, thể hiện ở số ca nhiễm, số người chết và số tỉnh có người nhiễm bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe tình hình và các dự báo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn”- Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, những yêu cầu phục vụ chống dịch cần được đáp ứng kịp thời hơn nữa. Cần huy động nguồn lực, vật lực và sử dụng hiệu quả những nguồn lực ấy phòng, chống dịch, đặc biệt tại khu vực tâm dịch ở Đà Nẵng, kế đến là những địa phương khác.

“Chúng ta phải làm sao để máy móc, thiết bị, sinh phẩm chống dịch không được thiếu thốn. Nguồn nhân lực ở đây là các chiến sĩ áo trắng phải có mặt kịp thời khi cần thiết. Chúng ta cần tập trung hơn, không chỉ dựa vào những hỗ trợ mang tính tình cảm và trách nhiệm như một số địa phương đã làm thời gian qua”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng lưu ý, những thiết bị nào cần thiết, quan trọng trong thời gian này cũng cần đặt ra để thảo luận.

“Chúng ta cần những phương tiện nào hỗ trợ. Từ trung ương đến địa phương cần cảnh giác, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ứng dụng công nghệ thế nào để đạt hiệu quả cao hơn”- Thủ tướng lưu ý.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, tinh thần ở đây là phải quyết liệt, không chủ quan, lơ là. Địa phương nào, ngành nào không có trách nhiệm, không làm tốt sẽ được chỉ ra và xử lý nghiêm. Chính vì thế, người chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ là chủ tịch UBND các tỉnh thành và bộ trưởng các bộ.

Theo dự báo của Bộ Y tế, những ngày tiếp theo sẽ là cao điểm dịch, đặc biệt 10 ngày tới. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn, chỉ đạo mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa lây lan cộng đồng, đặc biệt phải giảm số người tử vong do dịch COVID-19.
Đặc biệt, với các đô thị đông dân cư như TP Hà Nội và TP.HCM, nếu để xảy ra lây nhiễm là rất nguy hiểm. Do đó, cần đặt ra những biện pháp mạnh để khoanh, xử lý ổ dịch.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các giải pháp mạnh mẽ của hai thành phố này đã thực hiện trong thời gian qua, như TP.HCM có giải pháp phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Theo Thủ tướng, tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ cũng sẽ nghe về phương án tổ chúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kỳ thi đã gần kề, cần đảm bảo an toàn tốt nhất, không lây nhiễm cho học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên. Việc kiểm tra đôn đốc, vai trò các địa phương và công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế rất quan trọng.

Lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay cả nước có 750 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 346 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, 10 người đã tử vong.


Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến. Ảnh: VGP

Ông Long cho rằng, đợt dịch lần này với ổ dịch là TP Đà Nẵng và tâm dịch lớn nhất tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh với 186 trường hợp.

Những ca này tập trung vào các khoa điều trị bệnh nhân nặng như Nội Thận Tiết niệu, Hồi sức tích cực, Nội Thần kinh trong đó có 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng với 18 trường hợp.

Cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với 20 trường hợp được phát hiện ở TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng.

"So sánh về tốc độ lây lan giữa hai bệnh viện là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy có thể tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần"- ông Long nói.

Theo ông Long, so với tình hình dịch bệnh giai đoạn trước, các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch này khá đa dạng với nhiều hình thức lây nhiễm khác nhau.

Trong đó phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, lây sang cho người quen thường xuyên tiếp xúc, lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới với hoạt động ăn uống tập thể, đồng thời cũng xuất hiện nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại khác như bến xe, trường học, công ty và các cơ sở y tế...

Trong các hình thức này, lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến, số lượng trường hợp mắc theo cụm gia đình rất cao, tính đến thời điểm hiện tại (78 trường hợp trong 27 cụm gia đình) và cao hơn rất nhiều so với trong giai đoạn trước (chỉ có hai cụm gia đình nhỏ).
Bên cạnh đó, do đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam sống chung nhiều thế hệ, nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm bệnh trong gia đình là rất cao. Hiện tại, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%.

Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bắt nguồn từ TP Đà Nẵng và đã lan ra 12 tỉnh, thành phố.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục