Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nguồn để cải cách tiền lương được lấy từ một phần vượt thu ngân sách trung ương và tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm trên tại phiên họp Ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chiều 4/3.
Cho rằng cải cách tiền lương là bài toán khó vì liên quan đến nhiều đối tượng, nhưng Thủ tướng khẳng định, "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Ông nói "phải là cải cách thực sự, chứ không chỉ bù trượt giá" và cần được tiến hành đồng bộ với các đối tượng.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm xây dựng thang bảng lương, trên tinh thần mức lương mới phải được cải thiện so với mức lương cũ và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng; tiếp tục giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại chi ngân sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Chính phủ sẽ dành một phần từ vượt thu ngân sách trung ương để cải cách tiền lương. "Giảm đầu mối, giảm biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương", Thủ tướng nói và lưu ý cần có phương án điều chỉnh phù hợp với lương hưu từng thời kỳ, đặc biệt là người về hưu trước năm 1995.
Việc điều chỉnh chính sách ưu đãi người có công phải đảm bảo có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi sinh sống. "Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa", Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đồng tình, tinh giản biên chế, cân đối ngân sách, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập là "gốc của vấn đề" để có kinh phí thực hiện cải cách tiền lương. Một số ý kiến khác nhấn mạnh thang bảng lương phải dựa vào từng vị trí việc làm; tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Từ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo do Thủ tướng chủ trì.
Nguồn VNE