Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn
Thứ sáu: 23:17 ngày 09/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vừa được thành lập, với Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VPG/Nhật Bắc

Ngoài Trưởng ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn có 2 Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng là Phó Trưởng ban thường trực của Ban chỉ đạo này.

Các ủy viên của Ban chỉ đạo gồm có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.

Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban. Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban chỉ đạo giao.

Trước đó, kết luận hội nghị ngày 24/4 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ cao; sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành phụ trợ khác.

Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng "Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030"; giao Bộ TT&TT xây dựng "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030". Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030", trong đó xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.

Cũng trong kết luận hội nghị ngày 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải tập trung vào 5 trụ cột gồm: Phát triển hạ tầng; xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. 

Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, trong đó có lĩnh vực CNTT. Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Các tập đoàn bán dẫn hàng đầu như NVIDIA, Samsung, Synopsys cũng đã quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển và hướng tới xây dựng “cứ điểm” sản xuất bán dẫn tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp CNTT trong nước như  Viettel, VNPT, FPT, CMC... đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Các địa phương như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.

Nguồn vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục