BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, nếu khó khăn hai, phải cố gắng ba 

Cập nhật ngày: 09/05/2020 - 22:36

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", diễn ra sáng 9-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ý kiến của các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều luận điểm cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.

Đặc biệt, các ý kiến đều đánh giá cao sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam; coi đây là điểm sáng, giúp Việt Nam đi trước nhiều nước trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sớm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Việt Nam đã xác lập trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác phát triển kinh tế.

Khẳng định Covid-19 là một đại dịch, song người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, đây là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt. Khẳng định vị trí chủ chốt của doanh nghiệp trên “mặt trận” kinh tế, tạo tăng trưởng, giải quyết việc làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật…, song Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại, phải tái cơ cấu mạnh mẽ để phát triển. Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao trình độ quản trị, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và phát triển bền vững.

Đưa ra các con số về quy mô hội nghị với 23 lượt phát biểu ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và các bộ liên quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước; 437 kiến nghị qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 180 kiến nghị được gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu để đưa ra nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới.

Bên cạnh chương trình hành động sẽ được Chính phủ xây dựng sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

“Phải tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp cả chính sách về tiền tệ, tài khóa, giảm lãi suất, chi phí. Các doanh nghiệp mong muốn giữ kinh tế vĩ mô ổn định, kiềm chế lạm pháp, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ; đồng thời, đề nghị các cấp, ngành, các cơ quan tố tụng, thanh tra, điều tra, kiểm toán… cùng thực hiện tốt tinh thần tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động; giảm thanh tra, kiểm tra, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tạo nguồn lực cho phát triển, nhất là về hạ tầng; trong đó các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm lớn, các sân bay, bến cảng… đều phát triển nhanh, đồng bộ. Đặc biệt, dịch vụ logistics ở Việt Nam cần được phát triển tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, yêu cầu quan trọng hiện nay là Nhà nước và doanh nghiệp phối hợp đào tạo lại lao động, đào tạo nguồn nhân lực. Các hiệp hội, ngành hàng nâng cao vai trò tập hợp thông tin, đặc biệt là thông tin về tiến bộ khoa học, kỹ thuật để áp dụng nhanh vào các doanh nghiệp, đồng thời phản ánh các kiến nghị của doanh nghiệp lên Chính phủ và các địa phương để Chính phủ và các địa phương xử lý kịp thời.

Với doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu giữ ba yếu tố, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường trong và ngoài nước; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam, đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển doanh nghiệp. Tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước đến các hợp tác xã cùng đổi mới và quyết tâm phát triển, cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách.

“Việt Nam có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nếu khó khăn hai, chúng ta phải cố gắng ba, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng. Chính vì vậy, chúng ta phải cùng đoàn kết, cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo”, Thủ tướng Chính phủ truyền động lực cho các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn hanoimoi