Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ASEAN cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp với G20

Cập nhật ngày: 28/06/2010 - 05:28

Đêm 27.6 và rạng sáng 28.6 theo giờ Việt Nam tại Toronto (Canada), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị nguyên thủ, người đứng đầu 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới tham dự lễ khai mạc và các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 4. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu nêu rõ quan điểm và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tích cực vào nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế, cơ chế quản trị toàn cầu và quá trình xây dựng thể chế của G20.

4 thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước 4 thách thức lớn có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới vốn đang còn nhiều bấp bênh. Đó là nợ Chính phủ của hầu hết các nền kinh tế lớn ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ tiếp tục gia tăng; tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng ở nhiều quốc gia; sự mất cân bằng toàn cầu vẫn tiếp diễn (nổi bật là thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai ở Mỹ và khu vực đồng EURO trong khi ở Trung Quốc, Nhật và Đức lại trong tình trạng thặng dư); tình trạng tăng trưởng nóng và lạm phát đang gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi.

6 cuộc họp của Hội nghị G20 lần này chỉ diễn ra trong 1 ngày. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận các chủ đề lớn xung quanh hoàn thiện và đẩy mạnh khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách cơ cấu kinh tế nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn và ngăn chặn các rủi ro; đẩy mạnh cải cách các tổ chức tiền tệ và tài chính quốc tế; thúc đẩy tự do hóa thương mại và vòng đàm phán Doha…

Thiết lập cơ chế phối hợp chính sách giữa G20 và ASEAN

Tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ các nội dung trong “Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng” mà các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua tại Hội nghị cấp cao G20 lần thứ 3 tại Pittburg (Mỹ), nhất là xác định tạo dựng một hệ thống tài chính lành mạnh là cốt lõi của tăng trưởng bền vững. Trên tinh thần này, Thủ tướng nêu rõ các nước ASEAN ủng hộ củng cố tài khóa trên cơ sở thân thiện với tăng trưởng, áp dụng có phân biệt và linh hoạt tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước, không chỉ đảm bảo duy trì động lực phục hồi kinh tế và sự lành mạnh của hệ thống tài chính mà còn tránh tác động tiêu cực đối với tăng trưởng, ODA và các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển. ASEAN hoan nghênh G20 dành ưu tiên cao cho vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, ủng hộ lập nhóm công tác về phát triển cũng như đưa chủ đề phát triển thành một mục quan trọng của Chương trình Nghị sự Cấp cao G20 tại Seoul.

Thủ tướng nêu rõ: Các quyết sách của G20 không thể phát huy đầy đủ tác dụng nếu thiếu sự hưởng ứng tích cực của các nhóm nước khác, trong đó có các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, các tổ chức khu vực và quốc tế. Thủ tướng cho rằng, G20 cần tiếp tục tham vấn rộng rãi trong quá trình triển khai “Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng” với các nước ngoài G20. Điều này sẽ tăng tín nhiệm của G20, góp phần thu hẹp khác biệt về chính sách kinh tế, tạo thuận lợi trong nỗ lực giải quyết các mất cân đối toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định ASEAN ủng hộ và cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp chính sách của mình với các lựa chọn chính sách của G20, đồng thời đề nghị thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN với kỳ vọng trở thành hình mẫu thử nghiệm để nhóm các nước ngoài G20 xây dựng cơ chế tương tác phối hợp chính sách với G20.

Kinh tế thế giới - triển vọng và thách thức

Nhận định về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Sự phục hồi kinh tế diễn ra chưa đồng đều và rộng khắp. Những nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa được giải quyết triệt để và không loại trừ khả năng sẽ làm bùng phát thêm những cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc gia và quốc tế, ở các nước phát triển cũng như đang phát triển.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm của các nước ASEAN cho rằng các biện pháp chính sách của G20 cần hướng tới mục tiêu bảo đảm kinh tế thế giới phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng và đều khắp. Bên cạnh việc giải quyết những thách thức trước mắt cần tiếp tục quan tâm tới những vấn đề mang tính cốt lõi và dài hạn như xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững; giải quyết các vấn đề phát triển, bao gồm cả thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm nước và đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng...

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với nỗ lực của tất cả các nền kinh tế, G20 và phần còn lại của thế giới, đặc biệt nếu thực hiện thành công “Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng” cùng với các lựa chọn chính sách được đồng thuận đưa ra tại Cấp cao G20 lần này có thể sẽ đạt được kịch bản tăng trưởng lạc quan nhất cho kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư

Phát biểu về chủ đề “Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tưtại hội nghị G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự quan ngại của ASEAN và Việt Nam trước tiến triển chậm của Vòng đàm phán Doha, đồng thời kêu gọi G20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Vòng đàm phán Doha trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng nêu rõ: ASEAN hoan nghênh G20 đã thể hiện thái độ mạnh mẽ phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, đặc biệt thỏa thuận kéo dài thêm ba năm cam kết không gia tăng hay áp đặt các rào cản mới với đầu tư và thương mại hàng hóa và dịch vụ. “Là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, Việt Nam kêu gọi G20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiệm vụ đối phó với suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ”- Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và nêu rõ: ASEAN ủng hộ mạnh mẽ việc G20 đưa vào chương trình nghị sự các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giảm chi phí giao dịch và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang  phát triển.

Thủ tướng khẳng định: Các nước ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực theo hướng mở tại Đông Á với việc ký kết nhiều thỏa thuận FTA quan trọng có mức độ tự do hóa cao. Các chương trình hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ tiểu vùng MeKong có sự tham gia của các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... cũng đang tiến triển tốt đẹp. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia tiến trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Việt Nam đã tham gia đàm phán Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có hai nước thành viên G20 là Australia và Hoa Kỳ.

Thủ tướng đưa ra đề xuất ASEAN cùng với các khối, các tổ chức Thương mại tự do và Hợp tác kinh tế khác như EU, NAFTA... cùng G20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung về quyết tâm thúc đẩy vòng Doha kết thúc trong vòng 12 tháng tới; khẳng định liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO...

3 biện pháp tăng cường vai trò của các thể chế tài chính quốc tế

Phát biểu về vấn đền liên quan đến cải cách các thể chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến và nỗ lực cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Việt Nam và ASEAN cũng đánh giá cao việc tăng cường nguồn lực cho các ngân hàng phát triển khu vực, cho phép các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn, kinh nghiệm và các hỗ trợ kỹ thuật khác nhằm tạo sự chủ động trong ứng phó với những bất ổn của kinh tế vĩ mô trong khu vực.

Thủ tướng đưa ra 3 biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, IMF, WB và các thể chế tài chính khu vực cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. ASEAN hoan nghênh việc WB, IMF và các nhà tài trợ xoá nợ cho Haiti để giúp quốc gia này khắc phục hậu quả của thiên tai và khôi phục đời sống của người dân. Thứ hai, để đối phó với thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Với IMF, cần hoàn thiện các công cụ cho vay phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các nước chậm và đang phát triển, đặc biệt trong ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Thứ ba, tăng cường các hoạt động hợp tác và tham vấn chính sách giữa các thể chế tài chính quốc tế với các tổ chức khu vực trong khi vẫn đảm bảo nguyên tắc tự chủ trong điều hành kinh tế của các nước….

Cùng ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị nguyên thủ, người đứng đầu các nước G20 tham dự phiên bế mạc hội nghị. Các nhà Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị đã khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu đi đôi với giải quyết các thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt như thâm hụt tài khóa, nợ công, thất nghiệp…

Hội nghị đã thông qua các biện pháp chính sách nhằm cụ thể hóa Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ - bền vững và cân bằng, đồng thời nhất trí tiếp tục các biện pháp cải cách các quy định tài chính với mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính minh bạch của các hệ thống tài chính nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Hội nghị cũng đã đưa ra thông điệp chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính và tiếp tục các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm việc sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha trong thời gian tới. Các  nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị khẳng định tiếp tục quan tâm tới vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển và giảm nghèo nhằm đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Các nước G20 nhất trí thành lập Nhóm chuyên trách về Phát triển nhằm xây dựng chương trình nghị sự và kế hoạch hành động về phát triển để đưa ra thông qua tại Hội nghị Cấp cao G20 Seoul tháng 11/2010.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ mà ASEAN giao phó. Không chỉ  đại diện cho ASEAN, chia sẻ những ý kiến có tính xây dựng, quan điểm và kinh nghiệm của khu vực, đóng góp tích cực vào nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, sự hiện diện và tiếng nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 còn để lại dấu ấn, vị thế mới của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu với những thông điệp và sáng kiến trí tuệ Việt Nam.

(Theo VOV)