Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 30.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko, từ ngày 30.10 đến ngày 2.11.
Sáng 30.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko, từ ngày 30.10 đến ngày 2.11.
Cùng đi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, có Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình; Thứ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Lao động -Thương binh và Xã hội… cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này nhằm nâng cao và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có nhiều dự án mới.
Những năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển tốt đẹp, mang lại những kết quả rất tích cực, được nhân dân hai nước ủng hộ. Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam trong nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản tăng 24% trong năm 2010, lên tới mức 16 tỷ USD. Sau thảm họa động đất và sóng thần cùng với sự cố hạt nhân ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011, Việt Nam là một trong những nước tích cực giúp đỡ công tác khắc phục hậu quả. Điều đó đã góp phần bồi đắp hơn nữa mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, tạo cơ sở mới cho sự phát triển ở mức cao hơn của mối quan hệ này trong tương lai.
Các dự án do Nhật Bản tài trợ hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giao thông và năng lượng. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua ba giai đoạn rất thành công. Tháng 7.2011, hai nước đã nhất trí khởi động giai đoạn IV của sáng kiến này. Việc thực hiện thành công giai đoạn IV sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cũng như cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút đầu tư và hợp tác không những của Nhật Bản mà còn nhiều nước khác.
Cùng với lĩnh vực kinh tế, trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản còn có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, lao động, khoa học-công nghệ và quốc phòng.
Theo CPV