Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Hội nghị Copenhagen
Thứ tư: 10:07 ngày 16/12/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 16.12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến thủ đô Copenhagen, Đan Mạch để tham dự phiên thảo luận cấp cao Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu.

HTML clipboard

 

Quang cảnh Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch.

Sáng 16.12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến thủ đô Copenhagen, Đan Mạch để tham dự phiên thảo luận cấp cao Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu.

Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu là nhằm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Cần sự chung tay của tất cả các quốc gia chống lại biến đổi khí hậu

Hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên LHQ đăng ký tham gia những phiên họp cuối của Hội nghị này (từ 16 – 18.12).

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Thế giới về BĐKH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị; có một số cuộc gặp, tiếp xúc song phương, đa phương bên lề Hội nghị.

Hội nghị Copenhagen lần này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong đó các đại biểu tiếp tục thảo luận về một số vấn đề được đặt ra từ Hội nghị Thế giới về BĐKH tại Poznan, Ba Lan (năm 2008) như: Việc thực hiện cam kết của các bên theo các điều khoản khác của Công ước Khí hậu; tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển trong việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực trong khuôn khổ Công ước Khí hậu; thực hiện chương trình hành động về các biện pháp thích ứng về ứng phó với BĐKH.

Các bên cũng sẽ thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto; các vấn đề liên quan đến các cơ chế của Nghị định thư Kyoto, trong đó có cơ chế phát triển sạch (CDM); xem xét các báo cáo của các bên của Nghị định thư Kyoto trong vấn đề thực hiện các cam kết giảm khí thải nhà kính định lượng trong giai đoạn cam kết đầu tiên (2008-2012).

Hội nghị sẽ đưa ra các thoả thuận quốc tế mới để ứng phó với BĐKH trên phạm vi toàn cầu giai đoạn sau năm 2012.

Công ước Khí hậu có hiệu lực năm 1994. Việt Nam và 192 nước đã phê chuẩn Công ước này.

Năm 1997, Nghị định thư Kyoto được trình lên Hội nghị lần thứ 3 của Công ước Khí hậu tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản). Các bên thuộc Phụ lục I (các nước phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi) của Công ước Khí hậu phê chuẩn Nghị định thư Kyoto có lượng phát thải chiếm 61,6% tổng phát thải CO2. Các nước công nghiệp cam kết giảm phát thải khí nhà kính với những tỷ lệ riêng cho từng nước. Đến nay Nghị định thư Kyoto đã có 183 nước phê chuẩn, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhận thức sâu sắc về những ảnh hưởng của BĐKH, Việt Nam đã sớm ký kết và phê chuẩn Công ước Khí hậu (1994) và Nghị định thư Kyoto (2002). Để thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước và Nghị định thư, Việt Nam đã và đang có rất nhiều cố gắng để cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó có hiệu quả với BĐKH.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã chủ động, tích cực trong ứng phó với BĐKH.

Trong cuộc họp qua truyền hình tối 2/12 với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rassmussen, Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia nhằm thảo luận về các sáng kiến chuẩn bị cho Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại, vì vậy cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống BĐKH.

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với những nước chịu tác động nặng nề của BĐKH, nhất là nước biển dâng, trong đó có Việt Nam phải được các nước phát triển, các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính, các tổ chức tài chính có các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt về vốn, chuyển giao công nghệ giúp tăng cường năng lực ứng phó.

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH hôm 7.12 vừa qua nhằm đánh giá những kết quả đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương cần đề cao tính chủ động trong công việc và cần hết sức lưu ý tới công tác quy hoạch trong năm 2010 và những năm tới trên cơ sở kịch bản BĐKH đã được công bố.

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục