Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito 

Cập nhật ngày: 20/10/2019 - 14:18

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito từ ngày 22-23/10.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito từ ngày 22-23/10.

Chuyến đi Nhật Bản dự Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, mức độ tin cậy cao về chính trị trong mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.

Từ mối lương duyên đặc biệt...

Còn nhớ vào tháng 3/2017, dù ở tuổi 83 và trong điều kiện sức khỏe không còn như trước, chỉ vài tháng sau khi tuyên bố sẽ thoái vị, Nhật hoàng Akihito đã thực hiện chuyến thăm nước ngoài cuối cùng của mình với điểm đến là Việt Nam.

Các chuyến thăm nước ngoài của Nhà vua Nhật Bản được xem là khá hiếm hoi và thường chỉ diễn ra một hay hai năm một lần, nên việc Việt Nam được chọn là điểm dừng chân cuối cùng của Nhật hoàng - người không chỉ được xem là biểu tượng tinh thần của Nhật Bản mà còn là “đại sứ cao nhất” trong quan hệ đối ngoại, càng cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm năm ấy.

Lễ đăng cơ (Sokuirei Seiden no gi), một trong những sự kiện mùa Thu chính được tổ chức cho tân Nhật hoàng, dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 nhằm tuyên bố ngôi vị của ông trước các đại diện trong và ngoài nước. Dự kiến, lãnh đạo và các quan chức từ hơn 190 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tham dự buổi lễ.

Nhật hoàng đã chọn thăm Thủ đô Hà Nội và cố đô Huế, thưởng thức nhã nhạc tại Duyệt thị đường, thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu - danh nhân đã khởi xướng “Phong trào Đông du” đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học đầu thế kỷ XX và gặp thân nhân gia đình Việt Nam của những cựu binh Nhật Bản từng sinh sống tại Việt Nam sau chiến tranh.

Với chuyến thăm năm 2017, cho đến nay, Nhật hoàng Akihito là vị hoàng đế Nhật Bản đầu tiên và duy nhất từng thăm Việt Nam.

Tuy nhiên, mối liên hệ của Nhật hoàng đối với Việt Nam không chỉ ở cấp độ giữa hai quốc gia mà còn nằm trong những quan tâm riêng của cá nhân Nhật hoàng và những thành viên hoàng gia khác.

Trong Quốc yến do Việt Nam thết đãi, Nhật hoàng Akihito từng xúc động nói về điệu múa và âm nhạc của Việt Nam được lưu truyền sang Nhật Bản từ thế kỷ XVIII còn được giữ nguyên vẹn trong những khúc nhã nhạc Nhật Bản mà hiện nằm dưới sự bảo trợ của hoàng gia Nhật Bản với tên gọi nhạc Lâm Ấp (Rinyu).

Tại thành phố Nagoya ngày nay vẫn còn lưu giữ bức tranh “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” được vẽ trước năm 1640 mô tả thương cảng Faifo - Hội An ngày nay của Việt Nam và thương thuyền của các nhà buôn Nhật Bản đến từ thành phố Nagasaki cùng những khu phố Nhật Bản.

Còn đối với cá nhân Nhật hoàng, Ngài đã từng thực hiện một công trình nghiên cứu về cá bống cát trắng Việt Nam tại Cần Thơ khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 và đã trao tặng nghiên cứu của mình cho Việt Nam.

Thái tử Akishino thậm chí đã đến Việt Nam để nghiên cứu về gia cầm và tặng Bảo tàng sinh học tiêu bản gà quý hiếm của Nhật Bản để trưng bày và phục vụ nghiên cứu.

Nhật hoàng và Hoàng hậu trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 3/2017.

... đến quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ 27/6 - 1/7 vừa qua cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam sau khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi, mở ra thời kỳ mới Reiwa (Lệnh Hòa).

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Hội nghị G20 tại Nhật Bản tháng 7/2019. (Nguồn: VGP)

Đánh giá về kết quả chuyến thăm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự G20 năm nay phản ánh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp, hai nước là đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, cùng chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.

“Chuyến thăm một lần nữa cho thấy sự gần gũi và tin cậy về chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản: đây là lần thứ hai trong vòng bốn năm, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự một Hội nghị quốc tế lớn với tư cách khách của nước chủ nhà (tiếp theo Hội nghị cấp cao G7 mở rộng năm 2016); đây cũng là chuyến công tác thứ tư tới Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bốn năm qua. Chuyến thăm đã đạt được những kết quả cụ thể, thực chất, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trên các lĩnh vực”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và ràng buộc pháp lý.

Dấu ấn trong thương mại và đầu tư

Trải qua chặng đường hơn 45 năm, dấu ấn Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam ngày càng đậm nét, khi về kinh tế Nhật Bản đang là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Nhật Bản chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới; trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Trong năm tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 15,28 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản gồm: dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, thủy sản, gỗ, giày dép các loại...

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 7,35 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ 2018. Nhật Bản là nước có thế mạnh cung cấp những mặt hàng quan trọng gồm: máy móc thiết bị có chất lượng và công nghệ cao và là thị trường xuất khẩu của những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, qua đó giúp nâng cao năng lực sản xuất của các ngành sản xuất của Việt Nam.

Về đầu tư, trong năm tháng đầu năm 2019, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 1,52 tỷ USD. Tính lũy kế cho đến nay, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 57,4 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng số vốn FDI vào Việt Nam, đứng thứ hai trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Với việc Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên tích cực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho rằng, với “lực đẩy” từ CPTPP, trao đổi thương mại giữa hai bên sẽ tăng nhiều hơn nữa.

“CPTPP mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và đây chính là lợi thế cho các bạn Nhật Bản vì nền công nghiệp Nhật Bản chủ yếu dựa vào các SME. Vì thế, số lượng SME của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên và nguồn vốn sẽ cao hơn”, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhận định.

“Tôi cho rằng quan hệ giữa hai nước rất đặc biệt, từ cả góc độ quan hệ giữa nhân dân và nhân dân. Chưa bao giờ nhân dân hai nước lại có mối giao lưu sôi nổi như hiện nay. Hàng triệu lượt du khách Nhật Bản thăm Việt Nam, hàng trăm nghìn người Việt Nam thăm Nhật Bản. Trước đây, chưa bao giờ có như vậy.

Hiện tại, 330.000 người Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản. Việt Nam cũng có một đội ngũ trí thức rất đông đảo đang học tại Nhật Bản và bạn không ngần ngại để truyền đạt cho các thế hệ trẻ của chúng ta các kiến thức và công nghệ với mục tiêu duy nhất là muốn Việt Nam phát triển phồn thịnh. Đó là mối quan hệ đặc biệt và chỉ có mối quan hệ đặc biệt mới tạo ra các kết quả về chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân như hiện nay”.

(Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam)

Nguồn baoquocte