Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương không lên Hà Nội biếu xén lãnh đạo dịp Tết và “phải đặt chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở thì mới chuyển biến từ cơ sở”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Chiều nay, 28/12, các đại biểu đã nghe các lãnh đạo các bộ trình bày báo cáo về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.
Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng nêu khái quát, gợi ý một số vấn đề để các địa phương thảo luận.
Về môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện Nghị quyết 19, Thủ tướng cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ còn nhiều khó khăn.
Mặc dù đã nâng lên mấy bậc, nhưng vẫn còn có ngành, địa phương gây trở ngại cho kinh doanh, chưa tạo điều kiện cho DN phát triển, chưa có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Cho nên, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề. Do đó, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 là yêu cầu quan trọng trong năm 2018.
“Những vướng mắc nào, những công việc gì cần triển khai thì các đồng chí xác định cho rõ đây là nội dung công tác quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề, tại sao có tỉnh làm rất tốt về cải thiện môi trường đầu tư như mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp hay mô hình một cửa liên thông hiện đại nhưng còn địa phương ì ạch, vẫn còn tư duy bao cấp xin – cho.
Thủ tướng dẫn chứng con số Bộ trưởng Tư pháp nêu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2017, các bộ ngành, cơ quan Trung ương đã cắt giảm được hơn 5.000 thủ tục.
Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng… đã làm tốt việc này, mỗi bộ cắt 1/3-1/2 thủ tục, đã dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để tạo môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, cho rằng hiện vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, Thủ tướng nêu rõ, “anh cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác vì quyền lợi của vụ mình, sở mình,... là vấn đề nguy nan”.
Từ đó, đặt vấn đề phải kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao để giữ kỷ cương, Thủ tướng nhấn mạnh, “nhiều việc chúng ta nói mà không triển khai, không chịu làm cho nên trì trệ”.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ cũng cần lập tổ công tác để cùng với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thực hiện công tác này vì “Tổ của anh Dũng làm không xuể, nhiều quá”.
Đồng thời, ở các địa phương, Thủ tướng đề nghị cũng cần có các tổ công tác khi mà “những thông báo kết luận của Chủ tịch, Bí thư đưa ra có làm đâu, có gì có lợi cho sở, cho huyện thì họ làm còn việc liên quan đến dân, đến phong trào quần chúng thì có ai làm đâu. Phải kiểm tra đôn đốc, nêu tên, nêu gương, biểu dương phê bình mạnh mẽ để lời nói đi đôi với việc làm”.
Thủ tướng nêu rõ, một trong khâu quan trọng của nhà nước là thanh tra kiểm tra, đôn đốc. Lãnh đạo không kiểm tra, đôn đốc thì không phải là làm lãnh đạo. Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thảo luận vấn đề này.
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Tương tự, đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cũng kêu gọi sự chủ động, tích cực vào cuộc của địa phương khi hiện nay, có tình trạng người dân từ nhiều địa phương kéo về Hà Nội, TP.HCM để khiếu kiện.
“Các đồng chí chủ tịch huyện, xã có đối thoại với người dân không? Tôi xin nói với các đồng chí rằng tất cả việc khiếu nại này chủ yếu về đất đai, giải phóng mặt bằng. Chúng ta không làm, cứ đẩy lên Trung ương”, Thủ tướng nói và nêu rõ, “Chính quyền các cấp phải bố trí theo dõi vấn đề này, nhất là ở huyện, xã, tỉnh phải làm việc này”, đồng thời cảnh báo: “Ở nơi nào dân kéo ra Hà Nội, tôi mời đồng chí Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về để giải quyết chuyện này chứ không phải đẩy lên Trung ương”.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cũng đặt vấn đề đối với các địa phương, nơi trực tiếp quản lý các nguồn lực, vốn đầu tư, đất đai.
Quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2018 trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không lên Hà Nội biếu xén vì có tâm lý sợ mang tiếng, sợ mất lòng lãnh đạo cấp trên và “phải đặt chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở thì mới chuyển biến từ cơ sở”. Đây là nội dung quan trọng để thảo luận tại Hội nghị để ngăn chặn việc này.
Đối với thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0, Thủ tướng cho rằng, các địa phương phải tích cực thực hiện hơn nữa khi mà “thế giới đang làm mạnh mẽ mà mình chưa hiểu thế nào cả thì làm sao được, nhất là các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các ngành. Chúng ta không biết bắt đầu từ đâu thì rất khó khăn cho phát triển bền vững. Đây là khâu để tăng năng suất lao động tốt hơn, người dân hưởng lợi nhiều hơn”.
Mong lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác này, Thủ tướng nhắn nhủ, phải đặt một câu hỏi là “cách mạng công nghiệp 4.0 ở Bộ mình, địa phương mình là cái gì và bắt đầu từ đâu”.
Nguồn chinhphu