Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thủ tướng cho rằng, ngoài giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cần thêm "đòn bẩy" kích thích cung - cầu trong 4 tháng tới.
Sáng 4.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Nhận định nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, Thủ tướng nhấn mạnh "không được chủ quan trước dịch bệnh và cũng không thể đóng cửa, không lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động".
Ông đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại của năm để phấn đấu "tăng trưởng dương, giữ được các cân đối lớn. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động. Vì đây là việc xã hội rất mong".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 4/9. Ảnh: VGP.
Theo nhận định của một số định chế tài chính, GDP Việt Nam năm nay có thể tăng 2-3% nếu "phấn đấu tốt". Muốn vậy, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô 4 tháng còn lại phải "kích thích kinh tế mạnh mẽ ở cả phía cung và cầu. Vì hiện nay cả hai kênh này còn yếu".
Yêu cầu đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, theo Thủ tướng, phải có những chính sách cụ thể về du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...
Kích cầu thị trường nội địa sẽ giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Để làm được điều này phải đề cao nội lực, quan tâm thị trường nội địa hơn 100 triệu dân. "Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng chính sách tài khóa, tiền tệ phải phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư; xuất khẩu đi liền với đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, cạnh tranh... trong bối cảnh trạng thái bình thường mới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại cuộc họp, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện trong tháng 8, như dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và cuối năm nay có thể cán đích 100 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng khi 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Tính chung 8 tháng, Việt Nam xuất siêu gần 12 tỷ USD. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công cải thiện rõ nét, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng gần 30%.
Ở chiều ngược lại, vẫn có những yếu tố tồn tại, khó khăn như hoạt động thương mại, dịch vụ giảm trong tháng 8 do làn sóng Covid-19 lần 2; sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khi chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) giảm 0,6% so với cùng kỳ 2019...
Nguồn VNE