Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bên cạnh quyết tâm chống dịch corona, Thủ tướng chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế theo kịch bản mới với định hướng chủ động tìm kiếm thị trường, tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng.
Kết luận phần thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 ngày 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến diễn biến phức tạp, khó lường của dịch corona. Dịch có thể kéo dài, hoặc đỉnh dịch sẽ vào tuần tới.
Trước tình hình đó, người đứng đầu Chính phủ quán triệt tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động.
Không để bị động, bất ngờ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đó, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập trung chống dịch và phát triển kinh tế theo kịch bản mới. Ảnh: VGP.
Mặt khác, phải tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân.
“Không được chủ quan, lơ là, nói rằng chúng ta đã thành công rồi thì chưa đâu, vì chưa đến đỉnh dịch”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thảo luận và nhấn mạnh vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác.
Phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới
Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch corona, có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới, tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng và chủ động tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020. Ảnh: VGP.
“Nền tảng của chúng ta rất tốt trong năm 2019, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế lớn như vậy. Chúng ta cần tiếp tục phát huy nền tảng ấy, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Đồng thời, điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch virus corona. Theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá.
Thủ tướng nhấn mạnh, không tăng giá điện, dịch vụ công; đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh đầu tư công. Theo ông, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng.
Mặt khác, cần cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguồn Zing