Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chiều 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Trần Vũ, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Trần Vũ, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhắc lại ấn tượng tốt đẹp qua những lần gặp gỡ, làm việc với ông Trần Vũ tại Quảng Tây trong các chuyến thăm Trung Quốc trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn chính quyền và nhân dân Quảng Tây đã đón tiếp Thủ tướng và Đoàn đại biểu Việt Nam chu đáo, thân tình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ông Trần Vũ và tỉnh Quảng Tây đối với sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc nói chung cũng như Việt Nam và Quảng Tây nói riêng.
Nhấn mạnh đến tình hữu nghị truyền thống, lâu đời của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng nêu rõ, trong quan hệ hợp tác đó, Quảng Tây là địa phương trực tiếp có những hoạt động phối hợp hết sức hiệu quả với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam cả về kinh tế, thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân…
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và 56 triệu nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Tây, ông Trần Vũ trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước nói chung và giữa tỉnh Quảng Tây với các địa phương của Việt Nam nói riêng trên mọi lĩnh vực.
Ông Trần Vũ bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, toàn diện của mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc nói chung và Việt Nam với tỉnh Quảng Tây nói riêng, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, đóng góp vào thành tựu chung trong quan hệ hai nước, ông Trần Vũ khẳng định, Quảng Tây sẽ nỗ lực hết sức mình để kết nối các ý tưởng hợp tác hai bên, nhất là thúc đẩy kim ngạch thương mại, xây dựng hạ tầng cửa khẩu biên giới.
Kiến nghị một số nội dung hợp tác trong thời gian tới, ông Trần Vũ cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Quảng Tây với các nước trên thế giới.
Do đó, Quảng Tây mong muốn đẩy nhanh việc thí điểm cơ chế thông quan "hai nước một điểm dừng", tạo thuận lợi cho thông thương hàng hoá qua cửa khẩu; đồng thời đề xuất hai bên có thể chọn một số hàng hoá tiêu biểu để thực hiện thí điểm cơ chế này ví dụ như mặt hàng dưa hấu của Việt Nam và táo của Trung Quốc.
Quảng Tây cũng mong muốn tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt với các tỉnh biên giới Việt Nam, nâng cấp các cặp cửa khẩu biên giới...
Ngoài ra, hai bên có thể tăng cường hợp tác về giáo dục, văn hoá, y tế. Quảng Tây sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị với Việt Nam; đẩy mạnh chống buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới; chuẩn bị để tổ chức tốt hội chợ Trung Quốc-ASEAN sắp tới và mong Việt Nam tham dự tích cực sự kiện này.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhất trí với những ý kiến của ông Trần Vũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc xúc tiến nhiều hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa Quảng Tây với Việt Nam nói chung, Quảng Tây với các tỉnh biên giới Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục nâng cấp các cơ chế hiện có; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khâu thông quan hàng hoá ở cửa khẩu biên giới; đề nghị Quảng Tây tiếp tục có biện pháp phát triển kinh tế thương mại biên giới; sớm triển khai thí điểm thông quan một điểm dừng, phát triển cơ sở hạ tầng kho bãi, tạo thuận lợi thông thương hàng hóa hai bên.
Tán thành với đề xuất của ông Trần Vũ về việc tiếp tục nâng cấp kết nối giao thông giữa Quảng Tây với các địa phương Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, hai bên có thể nghiên cứu, nâng cấp, xây mới một số cầu để tạo thuận lợi thông thương.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp có thực lực ở Quảng Tây vào Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, hai bên cần đẩy mạnh giao lưu trên các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục; hợp tác trong vấn đề lao động; đẩy mạnh giao lưu nhân dân; hợp tác phòng, chống tội phạm.
Nguồn chinhphu