Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đối thoại với thanh niên
Thứ năm: 17:24 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trả lời những băn khoăn, trăn trở của nhiều gương mặt tiêu biểu, đại diện hơn 9,9 triệu hội viên Hội LHTN Việt Nam cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải đáp các băn khoăn, trăn trở của đại biểu Đại hội.

Thanh niên phải chủ động

Tại phiên làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời đối thoại, giải đáp nhiều trăn trở, thắc mắc của thanh niên cả nước.

Trả lời câu hỏi về những giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành nhằm "tiếp sức" cho Hội LHTN Việt Nam, hỗ trợ thanh niên trong thời đại mới của Chủ tịch LHTN Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Ngô Thế Hoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai bên đều cần chủ động trên cơ sở vì sự phát triển, đổi mới của đất nước.

"Là những nhân tố quyết định, các bạn cần chủ động vươn lên. Các bạn là nội tại, chúng tôi là ngoại lực phối hợp. Thời gian qua, các bạn đã hết sức cố gắng. Sau Đại hội, chúng tôi sẽ có đề án mới tốt hơn, kịp thời hơn, chứa nhiều hàm lượng về trí tuệ, khoa học hơn để tạo điều kiện cho thanh niên đóng góp, xây dựng đất nước", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Đối với câu hỏi của đại biểu Trần Duy Quân, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh về giải pháp giúp thanh niên tiếp cận kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị theo hướng dễ hiểu và thu hút hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: "Các bạn mong muốn cách thức dễ hiểu hơn, thu hút hơn. Vậy chính các bạn đã thật sự tâm huyết chưa?".

"Chính phủ đã có quy định lồng ghép các nội dung giáo dục lý luận, chính trị vào chương trình giáo dục từ lớp một trở lên, kể cả đối với các trường nước ngoài tại Việt Nam. Vấn đề nằm ở các bạn. Cùng với Chính phủ, Hội LHTN Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam cần có trách nhiệm, giải pháp cụ thể giúp thanh niên tiếp cận những nội dung giáo dục này", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Về việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh cho thanh niên mà Đại đức Thích Chánh Thuần (đoàn đại biểu Hà Nội) nêu tại Đại hội, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, mọi giải pháp cho vấn đề này đều phải bắt nguồn từ giáo dục đạo đức, lối sống từ gia đình. Cụ thể là dựa trên Nghị quyết 33 về xây dựng con người Việt Nam, trong đó có văn hóa ứng xử trong gia đình.

"Bên cạnh đó là giáo dục đạo đức, lối sống trong trường học rồi mới tới trong cộng đồng xã hội. Trong đó, vai trò của thanh niên rất quan trọng. Bởi những việc làm, cách ứng xử của thanh niên có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội. Là người chủ tương lai của đất nước, thanh niên cần ý thức, trở thành những tấm gương xây dựng xã hội văn minh", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.

Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội, nêu câu hỏi gửi tới Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ cụ thể

Cũng tại phiên làm việc, đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội đã bày tỏ những trăn trở liên quan các chính sách bảo vệ người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên trước những nguy cơ, rủi ro trên mạng xã hội.

Giải đáp thắc mắc trên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, việc lạm dụng dữ liệu và đặc biệt là dữ liệu cá nhân đã mang tính toàn cầu. "Lời giải đầu tiên là phải có thể chế, quy định cụ thể về dữ liệu cá nhân, lớn hơn là chiến lược quản trị dữ liệu. Đây sẽ là câu chuyện chính của năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

"Mạng xã hội tại Việt Nam mới đây đã có thêm một số thành viên mới với cách tiếp cận nhân văn, chia sẻ hơn. Nếu số lượng người dùng mạng xã hội ở nước ta giữ được mức tăng trưởng 30% như hiện nay, thì đến năm 2020, mạng xã hội nước ngoài và trong nước tại Việt Nam sẽ có số lượng người dùng ngang nhau", tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông phân tích.

"Thời gian qua, các mạng xã hội nước ngoài hoạt động như ngoài vòng pháp luật, mạng xã hội trong nước thì tuân thủ pháp luật. Đến năm 2020, chuyện này sẽ không còn tồn tại. Chúng tôi mong muốn thanh niên Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ các mạng xã hội trong nước, góp phần giúp dữ liệu cá nhân được "ở lại" Việt Nam, giảm thiểu rủi ro dài hạn", đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Trả lời một số câu hỏi của các đại biểu về vấn đề khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, thanh niên cần hiểu, phân biệt rõ khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo nghĩa khởi sự kinh doanh. Trong đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cách tiếp cận mới, tạo ra thị trường hoặc phân khúc thị trường mới, cơ bản dựa trên công nghệ, có tính rủi ro cao nên cần các quỹ đầu tư mạo hiểm.

"Tôi nghe nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, một trong những điểm khác nhau giữa phương Đông và phương Tây là khi thấy điều mới, người phương Tây sẽ cổ vũ, còn người phương Đông lại đặt nhiều câu hỏi. Đến khi tìm được câu trả lời thì cơ hội đã qua đi. Do đó, cần hun đúc tinh thần lập nghiệp cho thanh niên, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo thì đất nước mới phát triển được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cơ chế việc làm cho thanh niên

Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, người có kinh nghiệm 27 năm trong công tác Đoàn, Hội cũng "đăng đàn" trả lời các câu hỏi của đại biểu Đại hội.

"Qua ý kiến của các bạn, tôi cảm nhận được sự lo lắng của thanh niên về vấn đề việc làm trong kỷ nguyên số. Dự báo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ kéo theo thách thức về thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, việc làm. Nhiều ngành nghề sẽ thay đổi, thậm chí sẽ có nhiều người phải thất nghiệp", vị trưởng ngành nói.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ về các vấn đề liên quan việc làm cho thanh niên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, Việt Nam là một trong mười quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Số thanh niên thất nghiệp cụ thể rơi vào khoảng hơn 90 nghìn trường hợp. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào ba vấn đề liên quan bài toán việc làm của thanh niên: xây dựng thể chế đồng bộ, lành mạnh để phát triển thị trường lao động và xây dựng dự báo cung cầu việc làm.

"Nhiều người có nói rằng nước ta thừa thầy, thiếu thợ. Tôi cho rằng Việt Nam đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Do đó, thời gian tới, cần khuyến khích song song cả việc học lên đại học, sau đại học và việc học nghề, đào tạo nghề..." Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội lưu ý các đại biểu.

Nguồn Nhandan

data:
  • Kết quả SXMT nhanh nhất
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục