Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 9-4, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 10-7-2017, tại thành phố La Haye. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thành viên Đoàn gồm có, ông Mark Rutte, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan; bà Cora van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước; bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm; ông Menno Snel, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính; ông Hans de Boer, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hà Lan.
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, sinh ngày 14-2-1967, tại The Hague; Cử nhân Khoa Lịch sử, Đại học Leiden (Hà Lan).
Năm 1988 đến năm 1991, ông Mark Rutte là Chủ tịch Tổ chức Thanh niên của Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD). Năm 1993 đến năm 1997, ông là Ủy viên Hội đồng Lãnh đạo Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ. Năm 1992 đến năm 1997, ông là Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Unilever. Năm 1997 đến năm 2002, ông là Giám đốc Nhân sự của Van den Bergh Nederland (Công ty con của Unilever). Năm 2002, ông là Giám đốc Nhân sự của IGLOMora Group BV (Công ty con của Unilever). Năm 2002 đến năm 2004, ông là Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Xã hội và Việc làm. Năm 2004 đến năm 2006, ông là Quốc vụ khanh phụ trách Văn hóa, Giáo dục và Khoa học. Năm 2006 đến năm 2010, ông là Chủ tịch Đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ. Năm 2010 đến năm 2012, ông là Thủ tướng Hà Lan kiêm Bộ trưởng các vấn đề Tổng hợp (nhiệm kỳ I). Năm 2012 đến tháng 3-2017, ông là Thủ tướng Hà Lan kiêm Bộ trưởng các vấn đề Tổng hợp (nhiệm kỳ II). Tháng 3-2017 đến tháng 10-2017, ông là Thủ tướng tạm quyền. Từ tháng 10-2017 đến nay, ông Mark Rutte là Thủ tướng nhiệm kỳ III.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hà Lan đang phát triển rất tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan lần này là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương, là dịp để các lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi biện pháp thắt chặt quan hệ chính trị - ngoại giao, tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác đang được triển khai, đặc biệt trong hai lĩnh vực Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu - Quản lý nước và nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực...
Nguồn TTXVN