BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thừa đất cho khu công nghiệp, thiếu đất xây trường học

Cập nhật ngày: 01/11/2011 - 11:38

Sáng 1.11, tại buổi thảo luận tổ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật đất đai năm 1993 đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nhưng tiêu chí về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất vẫn rất chung chung nên còn tồn tại nhiều kẽ hở.

Theo đại biểu Quyền, 10 năm qua, quy hoạch đất đai không thể gọi là thành công khi nhà nhà đi làm khu kinh tế, mở khu công nghiệp, sân golf, cảng biển, sân bay... khiến có những khu công nghiệp không ai vào, cảng không tàu, sân bay nằm chết.

Trong khi nhiều dự án được bố trí đất dễ dàng theo kiểu "cứ xin là có" thì việc xây dựng nhà trẻ, hay trụ sở cơ quan cả chục năm vẫn không thể bố trí được do không có đất. Và theo đại biểu Quyền, đây là tình trạng bất bình thường.

"Quy hoạch kỳ lạ vậy mà vẫn diễn ra nhưng không thuộc trách nhiệm về ai cả. Tôi cho rằng đây là điều cực kỳ bất hợp lý trong việc lập quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch", tiến sĩ Quyền nhận định.

Trước thực trạng dự án các trường đại học chuyển lên Hà Tây (cũ) với diện tích lên tới hàng nghìn ha đất, cùng hàng trăm ha đất khu làng văn hóa các dân tộc giải tỏa xong để đấy, không được sử dụng dẫn đến tranh chấp, kiện tụng... đại biểu Quyền cho rằng, tất cả đều có vấn đề mà chưa giải quyết được.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Quy hoạch cảng biển đừng để "đầu tư tiền tấn, thu về tiền lẻ"

Cùng quan điểm, đại biểu Chu Sơn Hà cho hay, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tế, việc tổ chức không đến nơi đến chốn khiến nhiều dự án triển khai lâu, hiệu quả đầu tư dàn trải. Đơn cử, làng văn hóa các dân tộc là dự án lớn mà bố trí được 40 tỷ đồng mỗi năm thì không thể thực hiện được, hay khu ĐH Quốc gia Hà Nội theo dự toán 7.000 tỷ đồng nhưng nay trượt giá lên hơn 20.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng lần đầu không triển khai được, dân lại ở và phải giải phóng mặt bằng lần hai gây thiệt hại và lãng phí trong sử dụng đất.

"Bao nhiêu công sức của chính quyền giải phóng xong nhưng đất không được xây dựng thì trách nhiệm thuộc về ai? Trên thực tế chẳng ai chịu trách nhiệm. Nếu giải phóng mặt bằng chậm thì đổ tại cho dân ỳ, chính quyền địa phương không đôn đốc, nhưng giải phóng xong thì không triển khai. Cần quy trách nhiệm để quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiệu quả", ông Hà nói thêm.

Trước thực trạng cứ 50-70 km lại có một cảng biển, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị cần xem lại bởi nếu không tính toán kỹ thì với mật độ cảng biển dày đặc như hiện nay, hiệu quả khai thác không cao và không cẩn thận lại vướng vào tình trạng "đầu tư tiền tấn, thu về tiền lẻ". Bà Hường cũng cho hay cần có quy hoạch về đất cho giao thông bởi hiện nay nếu xếp toàn bộ xe máy và ôtô ra đường là không còn chỗ đi.

Lo lắng về tình trạng khan hiếm lương thực, đại biểu Đào Văn Bình cho hay, dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ có 100 triệu dân và những năm tiếp theo giữ ổn định ở 120 triệu người. Do đó, cần phải giữ diện tích đất trồng lúa ở mức 3,8 triệu ha bởi giảm diện tích đất nông nghiệp xuống 3,6 triệu ha thì "sau này con cháu sẽ đói".

Để giải bài toán đất công nghiệp chiếm chỗ đất nông nghiệp, ông Bình đề nghị, cần lấp kín các khu công nghiệp và cần tính toán kỹ tỷ trọng phát triển công nghiệp trong nền kinh tế để đề ra chỉ tiêu hợp lý, tránh lãng phí.

Giải trình rõ việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

Phát biểu ý kiến về việc thực hiện dự án 5 triệu ha rừng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng quy hoạch đất lâm nghiệp và thực hiện quy hoạch 3 loại rừng (trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và cây ăn quả) còn nhiều yếu kém, chất lượng thấp. Cơ cấu 3 loại rừng chưa hợp lý, tỷ lệ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng lớn gây khó khăn cho phát triển rừng sản xuất.

Về tổng vốn huy động giai đoạn này 7.934 tỷ đồng nhưng mới đạt 24% kế hoạch, trồng mới mới chỉ đạt 1.309.380 ha (26%) kế hoạch so với Nghị quyết 08 của Quốc hội trong khi đã thực hiện một nửa thời gian. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2006 -2010 Chính phủ đã có rút kinh nghiệm điều chỉnh lại chỉ tiêu đã trồng mới 1.149.630 ha  của kế hoạch 1 triệu ha. Tuy vượt kế hoạch nhưng giai đoạn này  đại biểu đề nghị báo cáo Chính phủ cần nêu rõ việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn bất cập gây bức xúc trong dư luận.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã có văn bản trả lời về việc cho 11 doanh nghiệp nước ngoài thuê tổng diện tích 333.000 ha đất trồng rừng. Theo kiểm tra của Chính phủ, tại thời điểm đó  mới giao 33.000 ha. Chính phủ hứa sẽ dừng vấn đề này, nhưng đến nay số đất đã giao là 288.000 ha (gần đạt mức đã ký).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, như vậy là Chính phủ không dừng lại việc giao đất rừng này như đã cam kết xem xét điều chỉnh trước Quốc hội. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cho biết hướng xử lý vấn đề này.

Về việc ban hành Nghị quyết kết thúc dự án trồng rừng năm 2006-2010, nhiều đại biểu ý kiến cho  rằng không nhất thiết phải ban hành nghị quyết này vì nghị quyết 08 của Quốc hội đã khống chế giai đoạn dự án từ 1998 đến 2010. Nếu có kéo dài chương trình mới cần phải ra nghị quyết.

Các đại biểu cũng thống nhất cần tiếp tục dự án trồng mới và bảo vệ rừng. Theo đó đề xuất cho phép Chính phủ trong giai đoạn 2011-2020 triển khai thực hiện bảo vệ phát triển rừng theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ và phát triển rừng như Nghị quyết 73 năm 2006 Quốc hội khóa XI  đề ra.

Về vấn đề rừng phòng hộ, đại biểu đề nghị Chính phủ nên quan tâm đến việc rừng phòng hộ ở các tuyến ven biển. Diện tích cây chắn sóng trong những năm qua, theo đại biểu, công tác quy hoạch và đầu tư kinh phí còn nhiều hạn chế.

Theo VNE

 


 
Liên kết hữu ích