Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
Thứ ba: 09:48 ngày 27/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi chiến lược, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị; thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang dẫn đầu đoàn Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, gọi tắt Hội nghị WEF Thiên Tân) từ ngày 25 đến ngày 28-6 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ nước ta sau 7 năm.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiếc lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển tốt đẹp, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30-10 đến ngày 1-11-2022); hợp tác kinh tế, thương mại và hợp tác trên các lĩnh vực khác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm ngày Việt Nam -Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Trong năm 2022, trao đổi tiếp xúc cấp cao duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt, nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trong các ngày 30-10 và 1-11). Ngoài ra, hai Tổng Bí thư hai Đảng cũng thường xuyên trao đổi thư, điện nhân dịp các sự kiện quan trọng của hai nước và quan hệ hai nước.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023, trao đổi điện mừng cấp cao dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18-1). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhậm chức (ngày 2-3); Lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi điện mừng lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được bầu tại Kỳ họp Lưỡng hội năm 2023…

Giao lưu, hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể nhân dân hai nước được triển khai thường xuyên. Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục hoạt động trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch. Cùng với đó, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường.

Diễn ra trong bối cảnh phát triển tốt đẹp đó, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính có những ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước; thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn.

Chuyến thăm của Thủ tướng nước ta là một bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào các ngày 30-10 và 1-11-2022, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm. Chuyến thăm sẽ tập trung vào tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên, từ đó góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Đối tác kinh tế quan trọng của nhau

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác duy trì đà tăng trưởng tốt trong những năm năm qua. Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 là hơn 175 tỷ USD. Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện, có sự bổ trợ lẫn nhau và gắn kết về chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9%; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 20,8 tỷ USD, giảm 26,5%.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó xuất khẩu gạo tăng 62,8%, xuất khẩu hạt điều tăng 8%, xuất khẩu sầu riêng tăng 18 lần, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.

Hiện nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch, xác định tập trung giữ vững ổn định phát triển và bảo đảm tăng trưởng. Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng.

Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20-5-2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỷ USD.

Trung Quốc nhiều năm qua dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Từ tháng 2-2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn. Từ ngày 15-3-2023, Trung Quốc bắt đầu khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.

Nguồn anninhthudo

Tin cùng chuyên mục