Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường chất lượng cao
Thứ năm: 19:28 ngày 09/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), Bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Phi-li-pin năm 2010 đã chính thức được gia hạn cho giai đoạn tiếp theo từ ngày 31-12-2016 đến hết 31-12-2018.

Đây là cơ sở pháp lý vững chắc, giúp Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu gạo tại Phi-li-pin do nước này chủ yếu nhập khẩu gạo thông qua hình thức đấu thầu Chính phủ. Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ cung cấp 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Phi-li-pin. Cũng trong tháng 1-2017, lô gạo gần 20 nghìn tấn của nước ta lần đầu được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng và kim ngạch trong năm 2016, thì đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), không thể quá kỳ vọng vào những “điểm sáng” này, vì Phi-li-pin vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta.

Còn Trung Quốc, dù đã cấp phép xuất khẩu gạo cho 22 doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này, nhưng cũng đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nghiêm ngặt các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, theo dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016 - 2017 sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát, cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%. Từ đó kéo theo tồn kho gạo toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất từ năm 2001 đến nay, chắc chắn dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu, và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, doanh nghiệp cần tính toán hợp lý các giải pháp, để có thể xuất khẩu gạo vào những thị trường mới, tiềm năng, nhất là thị trường đòi hỏi gạo chất lượng cao, vì đây là những thị trường còn nhiều dư địa nhất để gạo nước ta “phủ sóng”. Nhưng hiện nay, số gạo thơm, gạo chất lượng cao của nước ta mới chỉ chiếm khoảng 29% tổng lượng gạo xuất khẩu. Và muốn nâng cao chỉ số này, không có cách nào khác là phải cải thiện chất lượng hạt gạo, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay, cả nước có nhiều cá nhân và doanh nghiệp sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đây là hướng đi đúng, cần được nhân rộng thông qua sự hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước và các cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại… Mặt khác, các địa phương cần chủ động đẩy mạnh việc đưa giống lúa đặc sản, giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, để tăng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản… Khi đó, với sản phẩm gạo chất lượng cao, giá cao, chúng ta hoàn toàn có thể giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống với các hợp đồng tập trung; đồng thời không cần chạy theo sản lượng mà vẫn giữ ổn định và phát triển bền vững kim ngạch xuất khẩu gạo hằng năm.

Nguồn Báo Nhân dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục