Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quy định số 117-QĐ/TW của Bộ Chính trị:
Thực hành văn hoá Đảng
Thứ sáu: 15:12 ngày 01/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đây là quy định đầu tiên của Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, nhằm cụ thể hoá quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quy định 117-QĐ/TW góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, thận trọng, cân nhắc để không xảy ra oan sai (Trong ảnh: Ông Trần Cẩm Tú- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương làm việc với UBKT Tỉnh uỷ Tây Ninh).

Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 18.8.2023, có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ. Đây là quy định đầu tiên của Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, nhằm cụ thể hoá quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; gần đây nhất nội dung này được đề cập trong Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Bảo đảm nguyên tắc xin lỗi kịp thời, công khai, khách quan

Quy định số 117-QĐ/TW có 4 chương, 15 điều, quy định cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan…

Theo đó, việc thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan chịu trách nhiệm tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Chỉ thực hiện xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan một lần khi có kết luận hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền xác định kỷ luật oan.

Trường hợp tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng tiếp nhận hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, toà án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi đối với thân nhân đảng viên. Khi toà án huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bố mất tích thì tổ chức đảng kỷ luật oan xem xét phục hồi quyền lợi cho đảng viên theo quy định.

Việc bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đảng viên bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh minh hoạ).

Nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật

Điều 6 Quy định 117-QĐ/TW quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan. Đó là cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến kỷ luật oan theo yêu cầu của tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan.

Xây dựng kế hoạch, tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bãi bỏ hoặc thu hồi quyết định kỷ luật oan, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

 Quyết định theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham mưu, quyết định kỷ luật oan.

 Khi nhận được kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan phải tổ chức hội nghị xin lỗi và phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Ngoài việc tổ chức hội nghị công khai xin lỗi, tổ chức đã quyết định kỷ luật oan phải công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đăng công khai trên báo chí địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp uỷ cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc.

Như vậy, bên cạnh trách nhiệm phải tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thì Quy định 117-QĐ/TW nêu rõ phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham mưu, quyết định kỷ luật oan.

Đảng viên biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh minh hoạ).

Xin lỗi để sửa lỗi

Xin lỗi là văn hoá ứng xử của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào; nhận thấy làm sai thì phải xin lỗi, xin lỗi để sửa sai. Nhìn lại lịch sử Đảng, trong quá trình lãnh đạo, Đảng cũng có lúc mắc sai lầm và đã thẳng thắn, nghiêm khắc tự phê bình, nhận trách nhiệm trước nhân dân.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá I (diễn ra từ ngày 29.12.1956 đến 25.1.1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi Nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.

Ngay sau đó, công việc sửa sai đã được Đảng, Chính phủ gấp rút triển khai, trước hết là quyết định trả tự do cho những cán bộ, nhân viên và đồng bào không có tội nhưng bị quy sai là phản động, bị giam giữ hoặc quản chế, bao vây ở nông thôn.

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khoá XI ngày 15.10.2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương Đảng nhận trách nhiệm trước những khuyết điểm, yếu kém của Đảng: “Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục”.

Thực tế những năm qua đã chứng minh việc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém đã được Đảng ta đã và đang thực hiện rất quyết liệt. Công cuộc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Thanh tra, Kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy của nhà nước. “Trong 10 năm qua (2012-2022) đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị; 36 uỷ viên Trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm” (trang 26-27, sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Việc xin lỗi đã được Đảng ta, người đứng đầu của Đảng ta thực hiện, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng ban hành một quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Điều này là hết sức cần thiết, thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức của Đảng cầm quyền và thực hành văn hoá Đảng. Quy định này cũng như một sự nhắc nhở đối với tổ chức đảng, cá nhân trực tiếp tham mưu, quyết định kỷ luật phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, thận trọng, cân nhắc để không xảy ra oan sai.

5  trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan không được thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi:

1. Sau khi bị kỷ luật oan đã không giữ được tư cách, phẩm chất, tiêu chuẩn đảng viên hoặc vi phạm bị kỷ luật.
2. Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan.
3. Từ chối việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi.
4. Tự ý bỏ sinh hoạt Đảng.
5. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và trách nhiệm của đảng viên theo quy định tại Điều 8 Quy định này.

Tuệ Lâm

Tin liên quan