BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện mô hình Trung tâm quản lý dự án cấp huyện: Nhiều khó khăn, lúng túng

Cập nhật ngày: 03/05/2013 - 09:24
HTML clipboard

(BTN)- Chiều ngày 2.5.2013, ông Nguyễn Văn Bênh - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành đợt khảo sát tiến độ thực hiện dự án và quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011, và khảo sát kết quả chuyển đổi mô hình, tổ chức hoạt động của các Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng ngành, cấp huyện sang mô hình Trung tâm Quản lý dự án tại huyện Dương Minh Châu (DMC).

Báo cáo của UBND huyện DMC cho biết, hiện huyện còn có 3 BQLDA trực tiếp quản lý nguồn vốn ngân sách huyện, nguồn vốn tỉnh bổ sung có mục tiêu là: BQLDA Đầu tư - Xây dựng công trình thuộc Phòng Kinh tế và Hạ tầng, BQLDA Đầu tư - Xây dựng công trình thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, BQLDA thuộc Phòng NN&PTNT. Đồng thời, huyện cũng tồn tại các BQLDA do UBND huyện làm chủ đầu tư (quản lý nguồn vốn do tỉnh uỷ quyền giao huyện làm chủ đầu tư).

Lãnh đạo huyện Dương Minh Châu báo cáo tại buổi làm việc

Nhìn chung, từ năm 2011 đến nay, khối lượng, chất lượng và tiến độ thi công các dự án cơ bản bảo đảm yêu cầu đặt ra. Việc sử dụng các nguồn vốn bảo đảm hiệu quả. Các công trình sau khi thi công hoàn thành được đưa vào sử dụng đúng mục đích. Các dự án, công trình đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá nông thôn cũng như bộ mặt của Thị trấn.

Tuy nhiên, về năng lực tổ chức, các BQLDA có sự hạn chế nhất định. Là huyện nông thôn, những năm trước, số lượng dự án và nguồn vốn phân cấp không lớn, những năm gần đây, khi nguồn vốn phân cấp đưa về huyện tăng nhiều so với trước, có nhiều dự án lớn nên có lúc vượt quá khả năng quản lý của các BQLDA. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gần đây, huyện đã tăng cường đào tạo đội ngũ làm công tác xây dựng cơ bản nên đã nâng dần chất lượng nhân lực. Huyện cũng đang chuẩn bị thành lập Trung tâm quản lý dự án để quản lý các dự án theo hướng chuyên nghiệp, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Dự kiến, chậm nhất đến tháng 6.2013, Trung tâm quản lý dự án cấp huyện đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là huyện DMC vẫn còn thiếu hụt nhân lực để bố trí khi thành lập Trung tâm.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều thành viên trong đoàn khảo sát phân tích một số vấn đề có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình BQLDA sang mô hình Trung tâm Quản lý dự án tại huyện. Ông Trương Văn Ngôn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định: thực trạng đáng quan tâm là một số địa phương chưa tách bạch được vai trò chủ đầu tư và vai trò ban quản lý dự án. Điều này cần được khắc phục trong thời gian tới.

Buổi sáng cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Tân Biên. Theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2011 đến nay, Tân Biên có 63 công trình đã được quyết toán xong với tổng số vốn đầu tư trên 86,8 tỷ đồng; hiện còn 25 công trình (từ năm 2011 trở về trước) đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán với số vốn trên 68,1 tỷ đồng và 65 công trình (từ năm 2012 đến nay) hoàn thành nhưng chưa quyết toán với tổng vốn đầu tư trên 98,8 tỷ đồng. Các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều đáp ứng được mục đích, công năng, phù hợp với nhu cầu và quy hoạch ở địa phương.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phân cấp quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cấp huyện không còn BQLDA làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện tất cả các dự án trong huyện. Tuy nhiên, hiện việc triển khai thực hiện chủ trương này ở Tân Biên còn gặp một số khó khăn, chủ yếu vẫn là ở khâu nhân sự và nghiệp vụ…

Ông Nguyễn Văn Bênh - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị các địa phương khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả Trung tâm Quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng quản lý. Ông Nguyễn Văn Bênh nhấn mạnh: Không được để việc chậm triển khai thực hiện mô hình Trung tâm QLDA làm phát sinh dư luận cho rằng có sự trì trệ kéo dài để “hái chùm trái ngọt” ở các BQLDA.

HOÀNG THI