Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 21.3, Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng về việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2016.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong chủ trì buổi làm việc.
Hiệu quả Nghị quyết số 10 chưa cao
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 1.7.2021 về quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con em công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (KCN) , mức hỗ trợ, đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện Nghị quyết số 10 đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN.
Mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thực ở địa bàn có KCN trên địa bàn tỉnh, hiện có 8/175 giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN được hưởng chính sách hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Có 132 trẻ mầm non đang học tại 42 cơ sở giáo dục tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại các KCN được hỗ trợ tiền ăn trưa 160.000 đồng/tháng.
Đối với Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, Sở cũng đã hướng dẫn thực hiện nghị quyết này.
Đối với Nghị quyết 13/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, năm học 2021-2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Sở tham mưu UBND tỉnh không thu học phí theo mức quy định của Nghị quyết số 13. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2508/QĐ-UBND ngày 4.10.2021 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 73/2016/QĐ-UBND ngày 29.12.2016 của UBND tỉnh về việc quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, không thu học phí học kỳ I, năm học 2021-2022 (5 tháng thực học) đối với trẻ mầm non đang học thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, học sinh phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) đang học chương trình phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở giáo dục thu học phí học kỳ II, năm học 2021-2022 (4 tháng theo mức cũ). Mức thu học phí đối với các cơ sở công lập thực hiện bằng mức thu theo quy định. Đối với năm học 2022-2023, học kỳ I, năm học 2022-2023, Sở trình UBND tỉnh chưa thu học phí, trên cơ sở Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8.6.2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2022.
Theo tinh thần này, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, đánh giá đầy đủ tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời theo tinh thần tiết kiệm, thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và học sinh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2022.
Trong khi chờ Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ đề xuất thực hiện miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT tham mưu, trình UBND tỉnh tạm thời chưa thu học phí học kỳ I, năm học 2022-2023 theo Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh. Từ những cơ sở nêu trên, học kỳ I năm học 2022-2023 các trường trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện mức thu học phí trong năm học 2022-2023.
Đối với Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 19.12.2022 quy định nội dung chi, Sở GD&ĐT đã triển khai nghị quyết trên.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT nhìn nhận, việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Sở GD&ĐT kịp thời tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc biết và thực hiện đúng nội dung các nghị quyết.
Những khó khăn, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở thông tin, việc giải quyết mức hỗ trợ học sinh theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND do vướng mắc về thủ tục xác nhận của đơn vị sử dụng lao động nơi cha mẹ nuôi dưỡng trẻ đang công tác.
Khó giải quyết hỗ trợ giáo viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục do nhiều đơn vị chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập. Nguyên nhân vướng mắc về giải quyết mức hỗ trợ học sinh theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND là do đơn vị sử dụng lao động không xác nhận vào đơn đề nghị trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Tuấn Hải báo cáo việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Sau khi nghe lãnh đạo Sở GD&ĐT báo cáo, thành viên dự họp nêu ý kiến, việc thực hiện nghị quyết hỗ trợ cho học sinh mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp, cơ sở giáo dục băn khoăn: con công nhân (trên địa bàn có KCN) được hưởng chế độ hỗ trợ, còn con công nhân đang làm công nhân tại địa bàn đó nhưng cư trú ở nơi khác, lại không được hỗ trợ. Cán bộ cơ sở cũng không rõ việc thực hiện chế độ hỗ trợ như thế nào cho đúng quy định, đề nghị Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể hơn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 10 hiệu quả thấp, số người được thụ hưởng không cao, thậm chí những người liên quan không nắm được nội dung nghị quyết này.
Nguyên nhân một phần do thời điểm triển khai nghị quyết đúng lúc dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp. Thời gian tới, ngành Giáo dục xem xét vận dụng các quy định để thực hiện chính sách đúng, đủ, kịp thời, nội dung nào không vận dụng được thì xem xét bổ sung, sửa đổi.
1.800 người chưa có thẻ bảo hiểm vì chưa có căn cước công dân
Tại phiên làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh về quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Kết quả thực hiện cho thấy, số nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo đa chiều và hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình đến ngày 20.3.2023 là 22.365 người, giảm 390 người so với số liệu phê duyệt kết quả rà soát cuối năm 2022.
Lý do, số liệu của huyện Châu Thành, thị xã Hoà Thành và thị xã Trảng Bàng giảm do các hộ này được xét vào hộ nghèo tỉnh. Riêng TP. Tây Ninh và huyện Gò Dầu tăng do rà soát phát sinh thêm đối tượng.
Về hỗ trợ thẻ BHYT (tính đến 20.3.2023) có 19.831/22.365 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh (đạt 88,7%).
Trong đó, cấp đúng đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình: 13.786 thẻ. Cấp cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình nhưng được hưởng BHYT mã khác (đối tượng BTXH, trẻ em dưới 6 tuổi, công nhân, người có công...) 6.045 thẻ.
Số đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình đã nộp cho BHXH chờ cấp thẻ là 714 đối tượng (chiếm 3,1%).
Số đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình chưa được cấp do chưa có căn cước công dân, bị trả hồ sơ do sai mã: 1.821 đối tượng (chiếm 8,2%).
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Lan báo cáo việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Hiện nay, các xã, phường, thị trấn đang tiếp tục rà soát các đối tượng còn lại, hướng dẫn các đối tượng chưa có căn cước công dân khẩn trương làm căn cước theo quy định để chuyển danh sách cho BHXH cấp huyện cấp thẻ BHYT theo quy định.
Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, các xã, phường, thị trấn đang cung cấp danh sách đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ nghèo tỉnh, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình cho Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố để triển khai hỗ trợ học phí và dụng cụ học tập theo quy định.
Tính đến 20.3.2023, theo báo cáo sơ bộ các huyện, thị xã, thành phố về kết quả rà soát hộ nghèo tỉnh thì toàn tỉnh có 2.308 hộ với 5.601 nhân khẩu. Hiện nay, huyện, thị xã, thành phố đang khẩn trương lập danh sách chuyển BHXH cấp huyện cấp thẻ theo định.
Sau khi nghe báo cáo, thành viên dự phiên làm việc đánh giá cao Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai tốt nghị quyết HĐND tỉnh. Vấn đề tồn tại hiện nay là còn hơn 1.800 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế vì thiếu giấy tờ theo quy định (chưa có thẻ căn cước công dân). Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong đánh giá lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu kịp thời để HĐND tỉnh ban hành chính sách thực hiện hiệu quả.
Phiên làm việc của Thường trực HĐND tỉnh cũng khảo sát việc thực hiện nghị quyết đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng.
Việt Đông