Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực trạng các dự án đầu tư lĩnh vực NN: Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra (kỳ 3)
Chủ nhật: 11:27 ngày 10/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều người không khỏi băn khoăn khi thấy các “nhà đầu tư nước ngoài” nhận nhiều diện tích đất chỉ để trồng ổi, cỏ, mía... với hiệu quả kinh tế thấp, không đóng góp được gì cho địa phương, lại còn nợ thuế dai dẳng và… bỏ hoang đất!

Bài liên quan:

>> Thực trạng các dự án đầu tư lĩnh vực NN:

Kẻ làm không hết, người lần chẳng ra (kỳ 1) (kỳ 2)

Nhiều người không khỏi băn khoăn khi thấy các “nhà đầu tư nước ngoài” nhận nhiều diện tích đất chỉ để trồng ổi, cỏ, mía... với hiệu quả kinh tế thấp, không đóng góp được gì cho địa phương, lại còn nợ thuế dai dẳng và… bỏ hoang đất! Thế nhưng những dự án như thế này vẫn cứ tồn tại. Nhiều người cũng băn khoăn về những “dự án đầu tư” trồng cao su, loại cây mà người địa phương không mấy khó khăn để trồng nếu… có đất.

Giao đất nhiều nhưng thu lợi chẳng bao nhiêu

Công ty Cổ phần nông trường NIVL, trước đây là Công ty Cofaci - Việt Nam, trụ sở đóng tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Theo Quyết định giao đất số 1024/TTg ngày 2.12.1997 của Thủ tướng Chính phủ thì Cofaci được thuê 2.026 ha đất trong 20 năm để đầu tư sản xuất mía nguyên liệu, tổng mức vốn đầu tư là 5,8 triệu USD (100% vốn đầu tư nước ngoài). Sau đó, Công ty Cofaci đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Nagajuna International Holdings Pie (Singapore), việc chuyển giao này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận và cấp giấy phép (6.1999). Ngoài trồng mía, Cofaci  còn được phép trồng và chế biến bắp. Thực tế, diện tích đất Cofaci quản lý lên đến 2.051,6 ha. Đến khoảng năm 2000, Công ty chỉ mới sử dụng 1.251,6ha, còn lại thì “bỏ không”, để mặc người dân lấn chiếm gần 400 ha.

Nhân công chăm sóc ổi của Công ty Trung Việt.

Trước tình hình đó, ngày 3.9.2004, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 521,7 ha đất đã cho Cofasi thuê trước đó. Cùng ngày, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định giao diện tích đất thu hồi từ Cofaci cho UBND huyện Châu Thành quản lý. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vất vả, phải đến năm 2008, mới cơ bản làm xong việc thu hồi đất. Diện tích còn lại sau khi thu hồi là 1.529,9 ha, trong đó Công ty NIVL đã trồng mía 1.305 ha, phần còn lại làm các công trình phụ. Diện tích thì mênh mông nhưng năng suất mía lại rất “khiêm tốn”. Theo nhận định của ngành chức năng, do trình độ quản lý của Công ty NIVL hạn chế, kỹ thuật trồng và chăm sóc mía không đạt yêu cầu nên mỗi ha mía chỉ đạt từ 30 đến 40 tấn (năng suất đăng ký đầu tư là 50 tấn/ha). Đáng chú ý là tính đến cuối năm 2008, Công ty còn nợ gần 7,2 tỷ đồng tiền thuê đất. Năm 2009, Công ty thu được trên 22,6 tỷ đồng tiền bán mía nhưng chỉ nộp được… 2 khoản thuế: thuế môn bài (3 triệu đồng), thuế thu nhập cá nhân 13 triệu đồng! Mặt khác, trước đây Công ty đăng ký vốn đầu tư là 5,8 triệu USD (thời điểm năm 1997) nhưng cho đến nay, sau 13 năm, Công ty này chỉ mới đầu tư chưa đầy 1,2 triệu USD. Trong năm 2009, số lao động làm việc cho Công ty chỉ 14 người, trong đó có 3 người nước ngoài.

Công ty TNHH sản xuất Đông Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11.2002 và được cho thuê 24,6 ha đất. Công ty đăng ký thực hiện dự án trồng tràm, cây bạch đàn, trồng và kinh doanh cây cảnh ngắn ngày, cây có vị thuốc nam, rau quả các loại, chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, trong 8 năm qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã phải nhiều lần “nhắc nhở” công ty này nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam và thực hiện đúng theo các nội dung đăng ký đầu tư. Bởi ngoài việc không trồng các loại cây đã đăng ký, công ty này còn bỏ hoang nhiều diện tích đất trong nhiều năm liền.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất Công ty Đông Nam được giao có địa thế thuận lợi về giao thông, thuỷ lợi, đất đai màu mỡ. Trong khi nhiều người dân ở xã Phước Ninh còn nghèo khó, không đất sản xuất thì Công ty lại bỏ hoang khoảng 15 ha trong thời gian dài. Hiện tại, Công ty không trồng tràm, bạch đàn, cây thuốc nam hay rau quả nào mà chỉ ươm trồng để xuất khẩu (sang Hàn Quốc) một giống cây duy nhất là kim phát tài. Theo người đại diện Công ty, diện tích ươm trồng cây kim phát tài khoảng 10 ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ có khoảng chừng 6 đến 7 ha. Phần diện tích đất bỏ hoang đã trở thành bãi cỏ tự nhiên để thả gia súc. Cạnh dãy nhà ươm cây kim phát tài là một dãy “chuồng gia súc” trông hoang tàn, um tùm cỏ dại. Người quản lý cho Công ty Đông Nam cho biết, sở dĩ trong thời gian qua, Công ty không chăn nuôi được là do Sở KH- ĐT ghi không chính xác nội dung đăng ký đầu tư của Công ty. Lẽ ra, nội dung đăng ký là “… chăn nuôi gia súc, gia cầm” nhưng trong giấy phép đầu tư chỉ ghi “chăn nuôi gia súc”. Do đó, Công ty có muốn nuôi gia cầm cũng không được!

Được biết, năm trước Công ty báo cáo doanh thu bán kim phát tài được hơn 4,7 tỷ đồng. Và Công ty đã “tích cực” thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình khi đóng được… 3 triệu đồng thuế môn bài!

Láng giềng của Công ty Đông Nam là Công ty TNHH Phát triển nông sản phẩm Trung Việt, được cho thuê 23,2 ha đất để thực hiện dự án trồng, kinh doanh cây ăn quả các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Công ty đăng ký thực hiện dự án này với số vốn đầu tư 2 triệu USD (khoảng 32 tỷ đồng thời điểm năm 2001). Gần 10 năm sau, Công ty này đã đầu tư được khoảng 6,3 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Công ty Trung Việt cũng rơi vào tình trạng hoạt động “cầm chừng”, kém hiệu quả tương tự như Công ty Đông Nam. Cho đến nay, Công ty đã sử dụng khoảng 22 ha đất được giao để… trồng ổi; trồng khoảng hơn 1 ha nho. Còn các sản phẩm khác đã đăng ký trước đây như măng, gia súc, gia cầm, thuỷ sản thì “công ty không thực hiện do không hiệu quả”. Hiện Công ty đã dừng trồng nho vì hiệu quả thấp do điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp và chuyển sang trồng táo trên diện tích này. Năm 2009, Công ty bán ổi được 2,6 tỷ đồng. Hiện nay có vẻ như Công ty đã “an phận” với nghề trồng ổi, bởi chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Công ty sẽ thực hiện các nội dung khác như đã đăng ký đầu tư. Năm 2009, giống như “người láng giềng” Đông Nam, Công ty Trung Việt cũng đã đóng được… 3 triệu đồng thuế môn bài.

Những dự án “kỳ lạ” bất khả thi vẫn cứ tồn tại

Ngoài những dự án không hiệu quả, không thực hiện đúng nội dung đăng ký đầu tư và nợ thuế hàng tỷ đồng trong nhiều năm, còn có một số dự án khác mà nghe qua, nhiều người cho là “kỳ cục”: Dự án trồng cao su có diện tích 14,4 ha của một công ty Hàn Quốc ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Dự án này có vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 8,2 tỷ đồng để trồng… 14,4 ha cao su. Một số người hiểu biết về lĩnh vực này cho rằng với 14,4 ha cao su thì “đầu tư gì cho hết số tiền hơn 8 tỷ”. Bởi trong thực tế, đối với cây cao su đang cạo ở vùng đất cho hàm lượng mủ cao nhất, giá mỗi ha cao su tính cả đất cũng chỉ khoảng vài trăm triệu. Trong khi đó, Công ty được cho thuê diện tích 14,4 ha với nhiều ưu đãi. Cho nên, sau ba năm được giao đất và trồng cao su, đến nay Công ty chỉ “tốn” khoảng 5,3 tỷ (số liệu báo cáo của Công ty với ngành chức năng). So với mức đầu tư thực tế ở nhiều nơi khác thì con số này vẫn còn quá cao (?).

Trồng kim phát tài xuất khẩu sang Hàn Quốc ở Công ty Đông Nam.

Một dự án trồng cao su khác ở xã Long Phước (Bến Cầu) cũng của nhà đầu tư Hàn Quốc. Công ty này được cho thuê 155 ha đất từ năm 2001, vốn đầu tư đăng ký là 24,3 tỷ. Đến nay, Công ty đã trồng 137 ha cao su. Chỉ tính riêng trong năm 2009, doanh thu của Công ty đạt 4 tỷ đồng và đã nộp thuế được gần… 3 triệu lẻ 50 ngàn đồng. Một số người thắc mắc: Chẳng lẽ người dân địa phương không trồng được cao su nên “các nhà đầu tư nước ngoài” mới thuê đất để trồng với nhiều ưu đãi và đóng thuế rẻ.

Mặt khác, qua tìm hiểu và ghi nhận thực tế của phóng viên, hầu hết các “doanh nghiệp nước ngoài” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta trong thời gian qua không mấy khác… nông dân ở xứ mình. Họ chỉ là những cá nhân hoặc hộ gia đình sang đây thuê đất với giá rẻ, thuê nhân công với giá rất rẻ (so với xứ họ) và nhận được nhiều ưu đãi để “trồng tỉa”. Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, hầu hết các dự án đều được thực hiện kiểu “cầm hơi” bởi những “nhà đầu tư” này không am tường điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu ở đây để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp.

 Có người cho rằng, giá như “nhà đầu tư” có sự nghiên cứu kỹ càng trước khi “đầu tư”, Nhà nước có sự nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi chấp nhận đầu tư thì có lẽ đã không có tình trạng bỏ hoang đất, nợ thuế “khó đòi”, phải vất vả đi đòi nợ thuế và thu hồi đất như thời gian qua! Nhiều người cũng thắc mắc: Vì sao nhiều dự án đầu tư “bất khả thi” như thế vẫn tồn tại trong nhiều năm qua, dù đã có không ít văn bản “dự định” thu hồi?

BẢO TÂM

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục