BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực trạng ô nhiễm môi trường: Thiếu luật hay không xử lý nghiêm?

Cập nhật ngày: 28/10/2009 - 03:56

ĐBQH Nguyễn Thị  Bạch Mai (Tây Ninh)

Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội chiều ngày 27.10, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đặt vấn đề về sự “vào cuộc” của Quốc hội. Theo đại biểu Bạch Mai, vấn đề đặt ra ở đây là qua Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ thì chỉ có Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra, các uỷ ban còn lại liên quan đến các lĩnh vực về xã hội, văn hoá v.v... “đã vào cuộc như thế nào”? Đây là vấn đề nhiều lần các ĐBQH rất quan tâm, nhưng đến nay vấn đề phương thức thẩm tra cũng chưa đi vào quỹ đạo của nó.

Về vấn đề thứ hai, tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ và tại các đoàn ĐBQH trong khi nhiều ý kiến đại biểu đánh giá rất sâu sắc về nguyên nhân, tồn tại kể cả nguyên nhân đạt được trong thời gian vừa qua, nhưng trong Báo cáo tổng hợp hình như đã không nêu đầy đủ, chính vì thế có rất nhiều ý kiến dù đã được phát biểu tại tổ nhưng đại biểu vẫn phải phát biểu lại ở hội trường.

Phát biểu đóng góp Báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai nói: Đi vào những vấn đề cụ thể, trước hết tôi xin nói lại về vấn đề kích cầu. Trước tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu tác động đến Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp rất mạnh mẽ để chống suy giảm kinh tế. Đặc biệt chúng ta đã đưa ra một gói kích thích nền kinh tế 145.000 tỷ đồng tương đương với 8 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 8,7% GDP, và chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2009. Vấn đề này có được kiểm soát ngay từ lúc mới ban hành chính sách hay không, hay đến giờ này gần kết thúc gói kích cầu này thì chúng ta mới kiểm tra, đánh giá lại? Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng, khi Quốc hội thảo luận vấn đề kích cầu vừa qua tại kỳ họp thứ 5 đã đặt ra vấn đề phải kiểm tra, kiểm soát ngay từ khi chính sách đó ban hành. Nhưng đến giờ này, trải qua mấy tháng và sắp kết thúc thì chúng ta mới thấy bộc lộ những hạn chế, những vấn đề không mong muốn đã diễn ra trong tình hình thực hiện các gói kích cầu này.

Xin báo cáo với quý vị đại biểu, riêng gói hỗ trợ lãi suất 4%, qua sơ kết của Ngân hàng Nhà nước thì đã có trên 8.000 khoản vay vi phạm về chính sách hỗ trợ lãi suất, với khoảng 8.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng con số này mới qua kiểm tra của nội bộ ngân hàng, còn nếu các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra thì thực tế của nó sẽ như thế nào? Tôi cho rằng về vai trò giám sát từ lúc ban hành chính sách cho đến giờ này, có lúc chúng ta chưa quan tâm, chính vì thế những hệ luỵ của nó sau quá trình thực hiện gói kích cầu sẽ tiếp tục là những vấn đề chúng ta phải xử lý trong những năm tới.

Vấn đề thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là chúng ta nên kết thúc theo như kế hoạch đề ra là 31.12.2009 chấm dứt gói kích cầu của Chính phủ. Nhưng trước khi chấm dứt và đề ra giải pháp cho đầu tư phát triển năm 2010, tôi đề nghị chúng ta có đánh giá toàn diện về việc thực hiện chính sách này để thấy rõ những mặt tích cực nó tác động đến nền kinh tế, cũng như mặt tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến năm 2010 mà chúng ta phải giải quyết. Đặc biệt là sự vào cuộc của Quốc hội, giám sát gói kích cầu trên cơ sở những báo cáo của Chính phủ và các cơ quan có chức năng trong việc thực hiện các chính sách này.

Tôi cũng đồng tình với mục tiêu phát triển kinh tế năm 2010 của Chính phủ. Tức là chúng ta cố gắng làm thế nào để phục hồi sự tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số vấn đề chúng tôi cho rằng cần được tiếp tục xử lý trong những năm tới.

Thứ nhất là vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Chúng ta đã nói rất nhiều đến vấn đề này, pháp luật chúng ta ban hành tương đối hoàn chỉnh nhưng trong thực tiễn việc thực hiện pháp luật về môi trường, đặc biệt là xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là vấn đề nan giải. Chúng ta phát hiện nhiều vụ việc nhưng xử lý như vừa qua là chưa nghiêm. Không chỉ là vấn đề ở các khu công nghiệp, các đô thị lớn, mà hiện nay ô nhiễm môi trường đã lan đến nông thôn, nhất là ở các làng nghề, và điều đó làm cho an sinh xã hội, sức khoẻ người dân đang đặt lên một mối nguy hiểm cực kỳ. Vấn đề này là do chúng ta thiếu luật hay chúng ta không xử lý nghiêm? Câu hỏi đó tôi đề nghị Chính phủ phải trả lời, không thể để tình trạng này cứ tồn tại năm này sang năm khác và chúng ta phải trả giá cho vấn đề phát triển kinh tế, một sự tăng trưởng không bền vững do vấn đề xử lý môi trường không nghiêm khắc.

Một vấn đề nữa chúng tôi đặt ra đó là vấn đề liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng ta hiện nay có rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Tính đến giờ này, chúng ta bổ sung thêm một chương trình mới đó là chương trình biến đổi khí hậu, thì có tất cả là 12 chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay có những chương trình sắp hết hạn, sắp kết thúc, thế thì cần đánh giá chúng ta đã bỏ ngân sách ra để thực hiện các chương trình mục tiêu này hiệu quả đến đâu? Đối tượng hưởng thụ như thế nào? Tôi rất mong muốn đồng tiền bỏ ra để chi cho các chương trình này phải được đến đúng đối tượng và phải đảm bảo được hiệu quả. Trong 12 chương trình này chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một chương trình hiện nay rất bức xúc đó là chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Đến giờ này qua Báo cáo của Chính phủ, năm 2009 chúng ta đạt 56% kế hoạch trồng rừng, khá cao so với các năm trước đây. Riêng tại Tây Ninh, lần đầu tiên năm 2009 tỉnh chúng tôi đã vượt kế hoạch trồng rừng do Trung ương giao. Điều đáng nói là công tác giao khoán bảo vệ rừng chúng ta đạt đến 180%, nhưng diện tích trồng rừng vẫn chưa đạt độ che phủ theo kế hoạch là 39,9%.

Có thể nói vấn đề này có rất nhiều nguyên do, một là rừng bị tàn phá quá nhiều, chúng ta đã để cho lâm tặc phá rừng, để cho người

Các ĐB thảo luận tại hội trường.

dân phá rừng làm rẫy, trồng cao su, rồi làm thuỷ điện, làm resort, tất cả những cái đó dẫn đến giảm mật độ che phủ rừng ở những nơi xung yếu, cộng với thời tiết bất thường đã làm cho thời tiết trở thành mối nguy hiểm đối với con người. Có thể nói rằng nếu chúng ta quay lưng lại với rừng thì rừng sẽ không che chở chúng ta nữa và trở thành mối nguy hiểm. Cơn bão số 9 vừa rồi ở các tỉnh miền Trung là một minh chứng cho vấn đề này. Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc trồng rừng và độ che phủ rừng gắn liền với việc biến đổi khí hậu, gắn liền với vấn đề phòng chống thiên tai, lũ lụt.

Vấn đề cuối cùng chúng tôi đặt ra đó là vấn đề phòng chống tham nhũng. Hầu như trong Báo cáo của Quốc hội, của Chính phủ vấn đề chống tham nhũng còn khá mờ nhạt. Tôi có đọc Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giám sát việc phòng, chống tham nhũng trong hai năm 2007 – 2008, đánh giá chung nhất theo báo cáo này là vấn đề tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp. Hiện nay chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, và có rất nhiều cơ chế để giải quyết vấn đề này nhưng vì sao hiện nay nó không đạt hiệu quả? Chúng tôi mong muốn sắp tới phải có những hoàn thiện bổ sung về chính sách, về cơ chế, đặc biệt chúng ta phải xem tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh có đủ khả năng phòng, chống tham nhũng tại địa phương không? Đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách, làm thế nào để tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân sẽ phải triệt tiêu? Đây là vấn đề bức xúc mà trong thời gian qua người dân rất bất bình. Chúng ta đã xác định tham nhũng là một vấn nạn, nếu chúng ta để cho tình trạng này tràn lan như hiện nay thì không chỉ làm mất mát tài sản, tiền của của Nhà nước, mất cán bộ, mà còn mất niềm tin ở nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng của chúng ta.

QUANG NHÀN - DUY NHÃ

(lược ghi)