BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực trạng và giải pháp hạn chế, kéo giảm vụ việc, vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh 

Cập nhật ngày: 15/10/2021 - 17:52

BTNO - Ngày 15.10, Ban Nội chính Tỉnh uỷ tổ chức hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp hạn chế, kéo giảm vụ việc, vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh”.

Ông Phan Bá-Vụ trưởng Vụ Địa phương III Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Dự hội thảo có ông Phan Bá- Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Thế Thành- Phó Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh; ông Phạm Hồng Phong- Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh; ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ cho biết, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác giải quyết vụ việc, vụ án hành chính là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Nhiều vụ việc, vụ án hành chính phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình khiếu nại, khiếu kiện làm phát sinh vụ việc, vụ án hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ tháng 1.2017- 9.2021, toàn tỉnh tiếp 15.615 lượt công dân, đến trình bày 14.796 vụ việc, trong đó 89% nội dung liên quan khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính. Tòa án thụ lý giải quyết 221 vụ án hành chính. 

Một số vụ việc khiếu kiện hành chính về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự. Từ năm 2017 – 2021, UBND cấp tỉnh, huyện tiếp nhận và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại 202 vụ việc, trong đó cấp tỉnh 98 vụ việc, cấp huyện 104 vụ việc. Tình hình gia tăng vụ việc, vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Việc xác định đúng nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả để hạn chế phát sinh vụ việc, vụ án hành chính và nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc, vụ án hành chính là yêu cầu đặt ra cho các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Tại hội thảo, đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận xoay quanh nhiều vấn đề như thực trạng, nguyên nhân gia tăng vụ việc, vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh; những tồn tại, bất cập và nguyên nhân tình trạng tồn đọng; bản án hành chính bị hủy, sửa; công tác thi hành án hành chính còn chậm; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng, vận dụng pháp luật; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị; kinh nghiệm giải quyết hiệu quả; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế, kéo giảm phát sinh vụ việc, vụ án hành chính…

Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Phong- Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc trả lời thông báo thụ lý vụ án của Toà án và cung cấp tài liệu chứng cứ cho Toà án còn chậm.

Qua nghiên cứu các hồ sơ do TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, có những vụ án thụ lý sơ thẩm đã lâu, người bị kiện mới gửi cho Toà án ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện và cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan cho Toà án.

Về phía Toà án, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Toà án trong lĩnh vực giải quyết án hành chính; tiếp tục đề xuất với TAND tối cao nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án hành chính; kiểm tra, đôn đốc kịp thời để bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thế Thành- Phó Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, tính đúng đắn của quyết định hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước, niềm tin của nhân dân. Việc ban hành quyết định hành chính trong từng lĩnh vực, từng khâu, từng cấp phải được bảo đảm.

Cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh cần xây dựng cẩm nang pháp lý, phục vụ cho việc ban hành quyết định hành chính, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, làm cơ sở cho các cấp chính quyền, bộ phận tham mưu, giúp việc căn cứ vào thực hiện.

Ông Phan Bá-Vụ trưởng Vụ Địa phương III Ban Nội chính Trung ương đề nghị, cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền trong cung cấp tài liệu cho toà; kiến nghị trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ, thống nhất, dễ hiểu, dễ thực hiện cho cả cán bộ và người dân; nâng cao năng lực, uy tín, chất lượng đội ngũ cán bộ; cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên, có tâm, giỏi chuyên môn thì mới có thể tham mưu lãnh đạo có những quyết định hành chính chuẩn xác, tránh dẫn đến khiếu kiện.

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ cho biết, giải quyết vụ việc, vụ án hành chính phải bảo đảm thượng tôn pháp luật; thực thi pháp luật bảo đảm yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, kinh tế xã hội, phải kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn, vận dụng giải quyết có hiệu quả tốt nhất; hài hoà giữa lợi ích Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nói đi đôi với làm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Cán bộ thực thi nhiệm vụ phải nắm chắc pháp luật, chuyên môn, am hiểu, thực hiện đúng, trước tiên là cán bộ tham mưu, trực tiếp giải quyết vấn đề…

Phương Thảo